Cách trị táo bón cho con
Táo bón là hiện tượng phổ biến ở nhiều trẻ em. Thay đổi trong thói quen đi vệ sinh và chế độ ăn uống là chìa khóa giúp trị dứt điểm tình trạng này.
Táo bón là tình trạng ở trẻ khiến nhiều cha mẹ đau đầu bởi rất dễ gặp. Thống kê cho thấy 1/100 trẻ đi khám bệnh được phát hiện mắc táo bón. Khoảng 30% trường hợp táo bón cần can thiệp. Những trẻ còn lại phụ huynh có thể tự xử lý tại nhà thông qua những điều chỉnh về chế độ ăn uống và thói quen đi vệ sinh.
3 thời điểm trẻ dễ bị táo bón
Theo Mayo Clinic, trẻ bị táo bón thường đi tiêu không thường xuyên, phân khô, cứng. Kèm theo đó, trẻ gặp hiện tượng đau, rát mỗi khi đi đại tiện. Tần suất đại tiện ở mỗi lứa tuổi có sự khác nhau. Giảm tần suất đi tiêu cần thiết khi trẻ lớn đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, trẻ sơ sinh dưới 2 lần/ngày. Ngoài ra, lúc đi đại tiện bé phải rặn, khó đi hoặc thường khóc, phân có độ rắn chắc, có thể như viên bi rơi lộp bộp.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phân biệt táo bón với hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Trẻ được xác định là táo bón khi có đủ 3 yếu tố giảm tần suất đại tiện, phân khô, cứng kèm đau rát, khó đi.
Theo TS.BS Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, 3 thời điểm trẻ dễ bị táo bón nhất là lúc chuyển từ bú mẹ sang sữa công thức, bắt đầu ăn dặm; tập đi toilet; đến tuổi đi học.
Khi bắt đầu ăn dặm, các món ăn cũng chuyển từ lỏng sang đặc. Bé phải làm quen với chế độ ăn mới nên dễ sinh ra thiếu nước.
Thời điểm bé tập đi toilet, phụ huynh luôn mong muốn trẻ đi ngoài đúng chỗ, đúng giờ. Tuy nhiên, các con không buồn đi vệ sinh khi đó. Đến lúc buồn, các con có thói quen nín nhịn để chờ đến giờ. Lâu dần, điều này có thể gây táo bón mạn tính.
Ngoài ra, khi bắt đầu đi học, các bé đến môi trường mới, nhiều trẻ nhịn đại tiện vì sợ, không quen toilet. Điều này cũng dễ dẫn tới táo bón.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mayo Clinic xác định các yếu tố khiến trẻ dễ bị táo bón gồm có:
Trẻ có thể nhịn đi tiểu, đại tiện vì sợ nhà vệ sinh hoặc đang mải chơi. Một số bé không chịu đi vì lạ nhà vệ sinh, không thoải mái khi sử dụng toilet công cộng, trường học.
Những trẻ sống trong gia đình có không khí căng thẳng, cha mẹ hay cãi vã thường có khả năng táo bón cao hơn. Nguyên nhân là các em bị ức chế tinh thần, sinh ra cảm giác lo lắng, sợ hãi khi đại, tiểu tiện. Cảm giác ức chế này có thể xuất hiện khi cha mẹ tập cho con đi vệ sinh quá sớm. Con dễ nổi loạn, ngồi lâu trong nhà vệ sinh.
Chế độ ăn uống và thay đổi thói quen, môi trường sống cũng là một nguyên nhân. Khẩu phần ăn không đủ trái cây, chất xơ, rau củ hay thiếu nước dễ gây táo bón. Tình trạng ăn uống kém, mất nước khi bé sốt hay sau một đợt đau ốm, ăn quá nhiều đồ ngọt…, cũng góp phần gây nên hiện tượng này.
Ngoài ra, một số yếu tố khác dẫn tới trẻ bị táo bón như ít vận động, dị ứng thuốc, rối loạn thần kinh…
Cách khắc phục
Phần lớn trẻ bị táo bón nhẹ, trong thời gian ngắn. Mayo Clinic khuyến cáo phụ huynh nên bổ sung chất xơ, rau, củ, quả, trái cây trong khẩu phần ăn của con. Đặc biệt, mỗi ngày, chúng ta nên cho con uống tối thiểu 960 ml nước trắng (không tính sữa) hoặc nước trái cây.
Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống cha mẹ nên tập cho con thói quen đi tiêu đều đặn, khuyến khích trẻ chỉ ngồi trên bồn cầu từ 5 đến 10 phút, 1-2 lần/ngày sau ăn. Khi trẻ đi vệ sinh, bạn có thể khuyến khích, khen ngợi con để tránh áp lực không đáng có.
Hầu hết trẻ bị táo bón đều có thể tự chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh cần cho con tới thăm khám tại bệnh viện nếu trẻ gặp các tình trạng như phân dính máu, đau bụng, hậu môn kéo dài, táo bón tái phát.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-tri-tao-bon-cho-con-post1168515.html