Cách tự khám vú tại nhà tầm soát ung thư
Việc tự khám vú là biện pháp tầm soát quan trọng để kịp thời phát hiện những bất thường ở vú có thể là dấu hiệu sớm của ung thư.
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất (chiếm 35%) ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam.
Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm sẽ giảm dần khi bệnh được phát hiện và điều trị muộn hơn.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư vú phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện. Người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn càng sớm, khả năng sống sót càng cao và ngược lại, tỷ lệ sống sót giảm thấp khi phát hiện bệnh vào giai đoạn muộn. Vì thế, việc xác định khi nào cần sàng lọc ung thư vú và ai cần khám vú là việc làm cần thiết để giảm thiểu số lượng người tử vong do mắc bệnh ung thư vú trong cộng đồng.
Phương pháp tự khám vú tại nhà
Trước đây, tự khám vú tại nhà là một phần quan trọng trong chiến lược sàng lọc ung thư vú. Những người phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thường được tư vấn tự quan sát và kiểm tra vú của mình vào thời điểm 5 đến 7 ngày sau sạch kinh.
Phương pháp tự khám vú bao gồm các bước tiến hành sau:
Quan sát:
- Xuôi tay, quan sát xem có các thay đổi ở vú: u cục, dày lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da.
- Đưa tay ra phía sau gáy sau đó quan sát lại
- Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống. Động tác này làm rõ hơn các thay đổi ở vú nếu có.
Sờ nắn:
- Nắn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không?
- Đưa tay phải ra sau gáy. Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú, thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài.
- Kiểm tra từng vùng của vú và hố nách.
Độ tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú
Theo các chuyên gia, phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên bắt đầu định kỳ đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa 1 năm một lần.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp xquang tuyến vú.
Với phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên được tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 30. Trong đó gồm những người có đột biến BRCA, bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú 20% đến 25%, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi, hội chứng Li‐Fraumeni, hội chứng Cowden- Bannayan Riley-Ruvalcaba.
Xác định nguy cơ trung bình với bệnh ung thư vú cần được tham vấn bởi ý kiến của các chuyên gia dựa trên tiền sử gia đình và tiền sử bệnh tật bản thân.
Một cách tổng quát, phụ nữ có nguy cơ trung bình mắc bệnh ung thư vú bao gồm các đặc điểm sau: có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú ở thế hệ thứ nhất như mẹ và chị em gái ruột, mang đột biến gen đã được xác định và tiền sử bản thân mắc bệnh ung thư vú.
Một số các triệu chứng gợi ý ung thư vú
Mật độ vú dày hơn phía bên bình thường.
Da vùng vú bị co kéo hoặc thay đổi sắc tố bất thường.
Khối u vú kém di động
Núm vú tụt kèm chảy dịch bất thường.
Da núm vú sần sùi, nứt nẻ hoặc biến đổi giống quả cam
Sưng đau vú
Xuất hiện hạch nách hoặc/và hạch thượng đòn
Phương pháp điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Chất lượng điều trị hiện nay do đó hiện được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để điều trị hiệu quả là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.
Do vậy, bác sĩ lưu ý phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, nên hình thành thói quen tự khám vú sau khi sạch kinh 5 ngày. Đồng thời, nếu phát hiện bất thường cần đi thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế kịp thời.