Cách uống nước hại sức khỏe ngày nắng ai cũng mắc

Vào ngày nắng nóng, một số thói quen uống nước không những không giải nhiệt mà còn gây hại sức khỏe.

Nước chiếm bao nhiêu % trọng lượng của cơ thể người trưởng thành?

30-50%
60-70%
80-90%

Nước là thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người. Nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành và chiếm tỷ lệ cao hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Lợi ích của nước đối với cơ thể là gì?

Duy trì sự ổn định của chức năng nhận thức và thể chất
Đào thải độc tố
Tiêu hóa thức ăn
Cả 3 lợi ích trên

Nước có vai trò rất quan trọng như duy trì sự ổn định của các chức năng nhận thức và thể chất, góp phần duy trì sự điều hòa thân nhiệt; tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào. Nước cũng giữ khả năng miễn dịch tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng; đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan thải ra; giúp bảo vệ da, giữ làn da sáng, giúp cân bằng năng lượng cho cơ thể.

Dấu hiệu điển hình khi cơ thể mất nước:

Buồn nôn, chóng mặt, lưỡi và miệng khô
Cơ thể toát mồ hôi hột, sốt
Buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy

Người bị mất nước sẽ gặp phải triệu chứng chóng mặt, buồn nôn hoặc đau đầu, lưỡi và miệng khô, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu... Mất nước nặng thường cảm giác rất khát, mệt mỏi và thờ ơ, trông nhợt nhạt, mắt trũng sâu, bứt rứt, buồn ngủ, thở nhanh hơn bình thường, nhịp tim nhanh.

Thói quen uống nước mùa nóng làm chậm trao đổi chất:

Uống nước quá lạnh
Chỉ uống nước khi thấy khát
Uống bia rượu để giải nhiệt

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, mọi người cần hạn chế uống nước quá lạnh vào mùa nóng vì nước lạnh hạ nhiệt trong cơ thể, làm chậm lại quá trình trao đổi chất. Nước lạnh cũng gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (nếu đá làm từ nguồn nước không sạch), hô hấp như viêm họng, viêm phổi...

Cách uống nước khi trời nắng nóng có thể gây hại:

Chia nhỏ lượng nước để uống nhiều lần
Uống liên tục đến khi cảm thấy đã khát
Uống nước ép, trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất

Chúng ta không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc, có thể gây tiết mồ hôi nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi vì mất chất điện giải. Khi uống nước, bạn nên uống càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn. Có thể uống thêm nước ép, trái cây để bổ sung dưỡng chất.

Uống quá nhiều nước cùng lúc có thể gây ngộ độc, tử vong.

Đúng
Sai
Chưa được chứng minh

Theo Mayo Clinic, nếu uống quá nhiều nước cùng lúc, chúng ta có thể bị ngộ độc nước, đặc biệt khi trời nắng nóng. Tình trạng thừa, nhiễm độc nước thường xảy ra khi một người uống nhiều nước trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá lượng mà thận có thể đào thải qua nước tiểu.

Mỗi ngày người trưởng thành nên uống bao nhiêu lít chất lỏng?

1,5 lít
2 lít
Càng nhiều càng tốt

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), mỗi ngày, người trưởng thành cần 35 g nước cho 1 kg thể trọng. Như vậy, trung bình mỗi người trưởng thành cần 6-8 cốc nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống.

Trẻ em cần uống bao nhiêu nước khi trời nóng?

50-60 ml/kg cân nặng/ngày
80-90 ml/kg cân nặng/ngày
100 ml/kg cân nặng/ngày

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Đào, khoa Nhi, Bệnh viện quận 11, TP.HCM, cho hay mỗi ngày trẻ em cần uống khoảng 50-60 ml nước cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, sau khi hoạt động thể lực, vận động hoặc mới di chuyển dưới trời nắng, trẻ ra mồ hôi quá nhiều cần tăng nhu cầu nước uống. Lúc này, phụ huynh có thể cho con uống khoảng 100 ml/kg cân nặng/ngày.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cach-uong-nuoc-hai-suc-khoe-ngay-nang-ai-cung-mac-post1470362.html