Cách xử lý nước thải, vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt sau bão lũ

Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, xử lý xác súc vật chết, dùng phèn chua, Cloramin B để khử trùng nước là một số giải pháp xử lý môi trường sau bão lũ để có nguồn nước sinh hoạt an toàn.

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ.

Bắc bộ chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.

Bắc bộ chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.

Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng.

Nguồn nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như: bệnh về da, các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa, các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý nước mùa mưa lũ. Ảnh minh họa.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xử lý nước mùa mưa lũ. Ảnh minh họa.

Theo hướng dẫn xử lý nước mùa mưa lũ của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, ở những vùng ngập lụt sau bão, người dân cần triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt sạch, phòng chống dịch bệnh.

Nước rút đến đâu các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, vì nếu không làm ngay thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.

- Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.

- Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ để làm nơi trú ẩn cho muỗi.

Cách xử lý xác súc vật chết

- Tính toán lượng xác súc vật chết:

Khảo sát để ước tính số lượng xác súc vật chết cần xử lý.

- Vị trí chôn xác súc vật:

Tốt nhất là chôn ở ngoài đồng, xa các nguồn nước (ao, sông, hồ…) ít nhất 50m. Có thể chôn xác súc vật ở trong vườn, nhưng cần lưu ý là phải cách xa các giếng nước ít nhất 30m và phải xử lý kỹ bằng hóa chất khử trùng tẩy uế.

- Đào hố chôn:

Đảm bảo xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8 m. Chuyển toàn bộ xác súc vật và hớt một lớp đất dày 10cm chỗ xác súc vật nằm cho vào hố chôn. Đổ 2-3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hóa chất khử trùng, tẩy uế (Crezil, Cloramin…) nồng độ cao (có thể tới 100mg/l Cloramin 27%) rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.

- Khử trùng nơi có xác súc vật:

Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rắc vôi bột vào chỗ đó. Nếu không có vôi bột hay hóa chất khử trùng thì có thể tập trung rác (khô) vào chỗ đó và đốt.

- Kiểm tra nơi chôn súc vật:

Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.

Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra, cần triển khai các biện pháp làm sạch nước sau đây:

Xử lý các giếng nước để ăn, uống và sinh hoạt

Cụ thể, các hóa chất mà người dân có thể sử dụng để khử trùng nước, nước giếng như: Bột Cloramin B liều 10g/mét khối nước; Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước; hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước.

Sử dụng Cloramin để khử trùng nước. Ảnh minh họa

Sử dụng Cloramin để khử trùng nước. Ảnh minh họa

Người dân có thể sử dụng với xử lý nước giếng theo cách: Múc 1 gầu nước, hòa lượng hóa chất như trên vào, khuấy cho tan hết. Sau đó tưới đều gầu nước này vào giếng; thả cho gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho hòa đều. Sau đó múc nước giếng đã khử trùng dội lên thành giếng để khử trùng. Để nước giếng trong khoảng 30 phút, sau đó có thể múc lên sử dụng được.

Người dân cần lưu ý, với nước đã xử lý khi múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì cần phải cho thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Nước đã được khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.

Sau khi khử trùng, người dân ngửi thấy nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

Cục Quản lý Môi trường y tế cũng hướng dẫn, nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Các bước làm trong nước bằng phèn chua:

- Sử dụng 1g phèn chua cho 20 lít nước.

- Hòa lượng phèn chua tương đương thể tích nước cần làm trong vào 1 gáo nước cho tan hết.

- Đổ gáo nước vào chum, vại, lu, thùng... rồi khuấy đều.

- Chờ 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

- Nếu người dân không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Với nước ăn uống, quy trình xử lý chung như sau:

- Làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải lọc.

- Khử trùng nước đã làm trong bằng Cloramin B hoặc Clorua vôi.

- Đun sôi lên và có thể sử dụng để ăn, uống.

Hiện nay loại hóa chất dùng phổ biến nhất là Cloramin B dạng viên 0,25g, dạng bột 27% Clo hoạt tính và Aquatabs 67mg.

Hương Giang (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cach-xu-ly-nuoc-thai-ve-sinh-moi-truong-va-nuoc-sinh-hoat-sau-bao-lu-204240912165423917.htm