Cách Yên Sơn đồng hành với người nghèo hướng tới mục tiêu bền vững, đa chiều

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo tại Yên Sơn đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ðối với người dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, nguồn vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước là nguồn lực đầu tư sản xuất, là "bà đỡ" để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ nguồn vốn vay 50 triệu để giải quyết việc làm, chị Trần Thị Thúy ở thôn Gia, xã Tiến Bộ (Yên Sơn, Tuyên Quang), có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi phục vụ bà con và đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Trong khi đó, chị Vương Thị Lý ở xã Tiến Bộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi trâu bò.

Xã Tiến Bộ nơi chị Thúy hay chị Lý sinh sống hiện có 374 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận vay vốn. Từ nguồn vốn vay, các hộ nỗ lực vươn lên, tích cực cùng với địa phương thực hiện thành công các tiêu chí quan trọng như thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, vệ sinh, giải quyết việc làm góp phần tăng thu nhập cho bà con.

Ở xã Xuân Vân, gia đình chị Nguyễn Thị Loan, từng là hộ nghèo của xóm Soi Đát, nay cũng thoát nghèo nhờ khởi đầu với "bà đỡ" nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Từ số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, chị đầu tư chăn nuôi 2 con trâu sinh sản và trồng thêm cây bưởi Soi Hà, cây Gừng... Quyết tâm, chăm chỉ, gia đình chị Loan thoát nghèo, trả hết khoản nợ hộ nghèo sau 2 năm.

Không dừng lại ở đó, chị mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phân bón chăm sóc trên 600 cây bưởi. Đến nay vườn bưởi phát triển tốt, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động trong gia đình. Với nguồn thu được từ các mô hình sinh kế, gia đình chị đảm bảo trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học và từng bước vươn lên trở thành hộ khá tại địa phương.

Phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên quan tâm, đầu tư hỗ trợ.

Phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên quan tâm, đầu tư hỗ trợ.

Còn ở xã Hoàng Khai, gia đình chị Ma Thị Lan, ở thôn Yên Mỹ 1, vốn thuộc diện hộ khó khăn về kinh tế, thiếu vốn sản xuất nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện để vay 100 triệu đồng nhằm phát triển chăn nuôi.

Có vốn, gia đình chị Lan đầu tư mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi cá giống, cá thịt kết hợp với trồng cây ăn quả, trồng dưa chuột, mang lại nguồn thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho 2 lao động của gia đình.

Yên Sơn xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm để tạo sinh kế bền vững là “chìa khóa” để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, góp phần giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn từ đầu năm 2023 đến nay đã tổ chức 17 lớp học nghề, chủ yếu là điện, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây chè, chăn nuôi. Khoảng 600 học viên đã được đào tạo ngay tại thôn.

Công tác tư vấn, đào tạo nghề được chú trọng. Kết quả, hơn 3.635 lao động về các lĩnh vực: Y tế, may dân dụng, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật nề xây dựng, nghề thủ công được đào tạo. Trong số này, 70% là người dân tộc thiểu số, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. Nhiều lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả tích cực, góp phần tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động.

Tại huyện Yên Sơn, nhiều xã thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình MTQG khác, linh hoạt lồng ghép các nội dung nhằm huy động tối đa nguồn lực góp phần nâng cao đời sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Đơn cử tại xã Phú Thịnh, ngoài việc gắn mục tiêu giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới, xã còn phát huy vai trò của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến các thôn trong việc thực hiện việc giám sát chương trình giảm nghèo. Phú Thịnh tăng cường vận động nhân dân đẩy mạnh Phong trào “Ngày vì người nghèo” gắn với Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trong các hội, đoàn thể; vận động các hộ có kinh nghiệm, kinh tế khá trên địa bàn các thôn giúp đỡ cho các hộ nghèo.

Điều quan trọng trên hành trình giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo ở Yên Sơn là người nghèo không ai bị bỏ lại phía sau mà luôn có sự đồng hành, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, giúp họ thêm động lực vươn lên để thoát nghèo bền vững, đa chiều.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-yen-son-dong-hanh-voi-nguoi-ngheo-huong-toi-muc-tieu-ben-vung-da-chieu-2322189.html