Luật Việc làm (sửa đổi): Cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả

Sáng 9/11 sau phiên làm việc toàn thể tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi).

Thiếu vắng lao động nước ngoài

Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Tôi thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Việc làm năm 2013 để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm; thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam, những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm theo nội dung Tờ trình của Chính phủ để giải quyết các hạn chế, bất cập trong thực tiễn về quản lý lao động, chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức….

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý vào dự thảo Luật Viêc làm (sửa đổi) (Ảnh: Thu Hường)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý vào dự thảo Luật Viêc làm (sửa đổi) (Ảnh: Thu Hường)

Tuy nhiên liên quan về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho hay, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng đến các đối tượng là “người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức có liên quan”. Tuy nhiên, đối tượng là lao động nước ngoài đang thiếu vắng trong quy định. Thực tế, lực lượng lao động nước ngoài hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi tay nghề cao.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ người lao động là công dân nước ngoài có bắt buộc tuân thủ quy định của Luật Việc làm, cũng như đảm bảo các quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc thiếu quy định này có thể gây ra sự lúng túng trong thực hiện, đồng thời, không đảm bảo sự đồng bộ với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, nhất là khi hai luật này đã có quy định về lao động nước ngoài.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng Điều 2 dự thảo Luật quy định: “Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật quy định “Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động”.

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái (Ảnh: Hạnh Nhung)

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái (Ảnh: Hạnh Nhung)

Đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, theo quy định trên, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật được hiểu là chỉ áp dụng với người lao động là công dân Việt Nam. Nhưng thực tế thị trường lao động, việc làm bao gồm cả người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Do đó, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đối tượng lao động bao gồm cả người nước ngoài.

Chính sách đặc thù cho vùng khó khăn

Liên quan đến Điều 11 và 18 về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, đây là một chính sách đầy tiềm năng, nhưng trong dự thảo còn chưa đủ chi tiết về cách thức triển khai và nguồn vốn, đặc biệt đối với các địa phương khó khăn về ngân sách.

“Đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ tạo ra thu nhập, nâng cao tay nghề mà còn góp phần giảm tải áp lực lao động trong nước”- đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động và quy định rõ ràng về việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ưu tiên cho các vùng khó khăn và chính sách hỗ trợ bền vững hơn. Chính sách này, nếu được thiết kế chặt chẽ, có thể trở thành đòn bẩy kinh tế và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

Sáng 9/11 các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) (Ảnh: Thu Hường)

Sáng 9/11 các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) (Ảnh: Thu Hường)

Liên quan đến vấn đề này, qua tiếp xúc cử tri cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, thực tế có một số trường hợp người lao động vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Nhưng vì một số lý do khách quan, bất khả kháng như dịch bệnh, chiến tranh, người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, dẫn đến khi về nước không có việc làm, không có thu nhập để trả nợ cho khoản vay trước đó.

Để giải quyết thực trạng trên, đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản quy định theo hướng: đối với trường hợp lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và về nước trước thời hạn thì cần có chính sách hỗ trợ như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… cho các khoản vay trước đó để đi lao động ở nước ngoài; hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong nước để có nguồn thu trả nợ.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Hạnh Nhung)

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Hạnh Nhung)

"Có như vậy, chính sách Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật mới thật sự đi vào cuộc sống", đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhấn mạnh.

Đảm bảo tính hiệu quả, tránh lãng phí

Liên quan đến quy định tại Điều 41 của dự thảo Luật về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định, dự thảo chưa làm rõ về việc công nhận kỹ năng nghề cho những người lao động đã có bằng cấp hoặc tay nghề cao, nhưng không qua đào tạo chính thức trong nước, mà chỉ quy định đối với trường hợp “công nhận, thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề quốc gia giữa Việt Nam với quốc gia khác”.

Như vậy, việc yêu cầu đánh giá lại đối với tất cả lao động, kể cả những người có chứng chỉ quốc tế hoặc kinh nghiệm dày dặn đối với những quốc gia chưa được công nhận và thừa nhận với Việt Nam có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian.

Từ phân tích trên, đại biểu nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định công nhận lẫn nhau giữa chứng chỉ kỹ năng nghề của Việt Nam với tất cả các quốc gia trong khu vực và quốc tế mà Việt Nam có thiết lập quan hệ ngoại giao, nhằm tăng tính linh hoạt và tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

“Cần cân nhắc làm rõ việc công nhận kỹ năng nghề đối với người lao động có bằng cấp đại học, cao đẳng hoặc chuyên môn cao, để tránh việc yêu cầu họ phải đánh giá lại kỹ năng nghề.”- đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị và cho rằng điều đó sẽ giúp người lao động có trình độ cao tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời đảm bảo hệ thống chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, từ điều 27 -32 về hệ thống thông tin thị trường lao động, để tránh chồng chéo thông tin và chi phí, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần được quy định rõ phải tích hợp với dữ liệu của bảo hiểm xã hội, dân cư, thuế và các cơ sở dữ liệu lao động khác để cung cấp cái nhìn toàn diện về cung cầu lao động. Việc thiếu liên thông dữ liệu có thể gây ra lãng phí, kém hiệu quả trong việc quản lý và hoạch định chính sách.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho hay: Việc triển khai xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động của các tổ chức, cá nhân từ trước đến nay chưa thông suốt, chưa được quan tâm đầu tư phát triển trên phạm vi toàn quốc dẫn đến sự đứt gãy thông tin thị trường lao động nhất là trong đại dịch Covid-19 cũng như sự đứt gãy thông tin về các lĩnh vực, ngành, nghề mà người lao động đang làm việc, mong muốn làm việc và xu hướng đầu tư của doanh nghiệp, hoặc thông tin doanh nghiệp cần tuyển dụng, thông tin người lao động cần tìm việc, thông tin về đào tạo nghề, trình độ nghề...

Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Thu Hường)

Đại biểu Lò Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Thu Hường)

Đại biểu Lò Thị Việt Hà mong muốn Ban soạn thảo thiết lập hệ thống tin sao cho đảm bảo sự công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề và cấp trình độ để phục vụ người lao động, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phục vụ người sử dụng lao động cần tuyển dụng lao động nhất là theo ngành nghề, theo vùng như yêu cầu hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định rõ phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật giữa Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) với các Luật có liên quan như Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Rà soát tính tương thích quy định các điều khoản dự thảo Luật đối với thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế trong lĩnh vực lao động và việc làm

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-viec-lam-sua-doi-can-dam-bao-tinh-dong-bo-hieu-qua-357823.html