Café chủ nhật: Nhà văn có đáng bị coi thường?

Nếu tiền mua được những nhà văn, thì lúc đó văn chương mới đi xuống...

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

- Alo, em có đúng là tác giả X, người vừa có tên trong danh sách đoạt giải cuộc thi không?

- Dạ, đúng rồi, anh là ai ạ?

- Anh là kế toán, kiêm Ban tổ chức cuộc thi, em gửi lại số tài khoản, anh sẽ chuyển khoản trước, còn thời gian tổ chức lễ trao giải sẽ mời em sau nhé!

- Dạ vâng, anh cúp máy, em gửi cho anh liền ạ!

Một cuộc hội thoại ngắn ngủi như thế diễn ra giữa tôi và Ban tổ chức cuộc thi nọ. Tôi vui mừng khôn xiết vì ít ra Ban tổ chức rất chu đáo. Trước đó, tôi thấy thư mời dự lễ trao giải đã được gửi trong email của mình, thời gian địa điểm rõ ràng.

Như những cuộc thi trước tôi tham gia, đa phần Ban tổ chức đều gọi khi tác giả được giải, chuyển email thư mời dự lễ và hỏi ý kiến khi đưa tác phẩm vào sách. Còn lại các thủ tục liên quan đến tiền giải thưởng, quà tặng, đều được Ban tổ chức gửi tại buổi trao giải. Nhưng lần này thì không, vừa cúp máy, tôi đã nhận được khoản tiền thưởng như thông báo của Ban tổ chức ban đầu, tương ứng với khoản tiền của giải thưởng này.

Tôi mừng vui, nghĩ thầm “kể ra cuộc này có uy tín phết, tiền nong rõ ràng, chưa tới buổi trao giải mà đã điện trước cho tác giả và trao tiền giải rồi”.

Niềm vui chưa được bao lâu, tôi đợi ngày được bên tổ chức điện thoại, hoặc có thể thông báo qua email thời gian địa điểm tham gia lễ ra mắt cuốn sách. Nhưng không, hoàn toàn không. Tôi chỉ biết được thông tin hoãn thời gian ra mắt sách do bão lũ miền Bắc.

Khấp khởi chờ đến ngày hoãn vì nghĩ kiểu gì người ta cũng sẽ điện thoại hoặc email thêm một lần nữa. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Cho đến một ngày sự kiện ra mắt sách ấy được tổ chức theo đúng thời gian dự kiến và tôi không nhận được một thông tin nào mời tham dự. Buổi ra mắt rầm rộ và vui, nhiều người nổi tiếng tham dự.

Ngồi trong phòng làm việc buổi sáng hôm đó, tôi mon men mở Facebook ra xem livetream trực tiếp. Ngẫm mình, ô hay cũng thật nực cười, rõ là một tác giả có giải, tại sao giờ này ngồi xem, rình mò như một tên ăn trộm. Chỉ nghĩ thế thôi, xem được mấy phút thì tôi bực mình tắt live và không theo dõi nữa.

Cho đến những hôm sau, dân tình râm ran bởi bài viết của chính người tạo ra cuộc chơi ấy. Một bài viết có thể coi là rất nặng nề đối với những tác giả đoạt giải, đại khái rằng những người đạt giải viết rất tệ và không xứng được đạt giải. Thậm chí, lời văn không xứng tầm cho một cuộc thi như thế.

Tôi vào Facebook một bạn được đoạt giải trong cuộc thi đó, ban đầu bạn rất vui, tự hào khi bài viết của mình được những nhà văn lớn thẩm định, chấm và cho ra kết quả cuối cùng. Bạn vui vì là một trong số những người được giải đó. Cho tới khi bạn đọc được những dòng viết của Ban tổ chức, bạn lập tức trả lại tiền giải thưởng, đồng thời thông báo đến bạn bè đừng ai nhắc đến cuộc đó thêm một lần nào nữa. Vì bạn không bao giờ có khái niệm để người khác chà đạp lên người viết bởi những lời lẽ thiếu tôn trọng như thế.

Kết thúc lùm xùm, bài đăng chê bai những nhà văn đoạt giải được xóa, kèm theo những lời xin lỗi. Mãi đến sau này, khi biết được Facebook của vị Trưởng Ban tổ chức quyền hành đó, tôi không còn thấy bài viết nói về những tác giả trẻ đoạt giải, nhưng trong lòng canh cánh, bởi nghe những bạn văn kể lại, thì ông ấy đã dùng lời lẽ rất “quá đáng” để nói về các tác giả đoạt giải.

Thế là tôi lại đi tìm, tìm cho ra ai đang còn giữ được những dòng đó, để xem người viết đang bị coi rẻ như thế nào. Và tôi đã thấy, đúng, những người viết đoạt giải trong cuộc thi đó chỉ là cái cớ để người ta ra sách thôi. Một cuộc thi ngắn ngủi trong vòng một tháng, không tìm ra giải Nhất, lí do không có tác phẩm xứng tầm. Số tiền giải Nhất xin chuyển đến đồng bào phía Bắc bị lũ lụt, đến nay số tiền ấy đến tay người dân hay chưa, làm sao tôi biết được. Tôi chỉ biết sau đó, hàng nghìn cuốn sách đã được bán ra, và đến giờ này trên tay tôi cũng chưa có cuốn sách đó.

Tôi đã suy nghĩ miên man về bài viết đánh giá các tác giả sau cuộc thi đó, về lời nói coi thường những người viết trong từng câu, từng chữ. Rồi tôi lại đặt câu hỏi ngược lại “Ơ, rồi người ta tổ chức cuộc thi với mục đích gì? Tại sao trao giải rồi xong quay ra phê bình, chê bai những người đoạt giải, có gì đó mâu thuẫn trong lời nói, trong hành động và cả cuộc thi này chăng? Một câu hỏi lớn lao hơn mà chủ tút đặt ra là thế hệ sau này sẽ ra sao nếu có những nhà văn, tác giả viết theo kiểu hời hợt như thế?".

Tôi bàng hoàng nhận ra, chủ tút đã không còn quan tâm những tác giả đoạt giải là ai, không còn quan tâm đến mục đích cuộc thi là gì mà ông đang nhắm sâu vào lợi ích thiết thực của mình. Mong mình nổi lên và xóa nhòa những tác giả kia, và cuộc thi chỉ là cái cớ để đẩy tên tuổi ông lên cao hơn.

Và trong buổi chiều của một ngày Chủ nhật, tôi nghiền ngẫm từng câu chữ mà bạn văn gửi cho, rồi tự nhiên tôi khóc. Chưa bao giờ tôi cảm giác mình là nạn nhân trong đó. À không, nói nạn nhân thì nặng nề quá, tôi cũng là một trong những người được đề cập trong bài viết đó. May thay nó đã “được” xóa kèm theo những lời xin lỗi, nhưng lời xin lỗi tôi nghiền ngẫm mãi, không mang tính chất “hối cải”. Vì ít ra ông ấy đang đứng trên vị trí cao để nhìn xuống chúng tôi, những nhà văn nhỏ bé tham gia những cuộc thi nhỏ bé.

 Ảnh minh họa: pngtree.vn.

Ảnh minh họa: pngtree.vn.

“Hay mình trả lại giải như nhà văn kia”, để bắt chủ tút phải xin lỗi công khai, nói đúng về những nhà văn, vì dầu gì họ cũng là những người bỏ chất xám của mình ra, để làm nên những tác phẩm. Nó không có giá trị về vật chất nhưng đó là giá trị tinh thần, là những câu từ mà hằng đêm các nhà văn đã phải trằn trọc để nghĩ suy. Đâu phải tự nhiên họ nghĩ ra được, cuộc thi có chủ đề, có nội dung rõ ràng. Và lẽ dĩ nhiên, các nhà văn đều phải bám sát chủ đề để viết.

Thậm chí không có nhà văn thì những tác giả trẻ, người viết trẻ cũng đã hào hứng trong cuộc chơi này. Nhưng ngẫm lại, nếu tôi có trả lại giải đi chăng nữa, thì lời nói kia đã nói ra, và cả trăm, cả vạn người trên đất nước Việt Nam này đã đọc được. Trả lại, đồng nghĩa với việc tôi chịu nhận thua, đồng nghĩa với việc tôi công nhận tác phẩm mình rất tệ. Không, tôi không thể làm thế được, nó là đứa con tinh thần của tôi mà, nếu nó bị coi thường ở chỗ này thì tôi đem nó đi chỗ khác, giới văn chương đâu thiếu chỗ cho những tác phẩm chân chính.

Điều tôi lấy làm tiếc nhất chính là rất nhiều người vẫn vào bênh vực, ca tụng, thậm chí lo lắng dùm cho nền văn chương nước nhà. Chúng tôi, không làm nên nền văn chương nước nhà, cũng không làm xấu đi hình ảnh quê hương, đất nước con người Việt Nam.

Thiết nghĩ, nếu đã đưa lên bàn cân so sánh, trước hết các tác phẩm đã được qua bàn tay của những Ban giám khảo có uy tín, nếu họ không có uy tín, họ đã không chấm cho chúng tôi được giải. Thứ hai, nếu nói tác phẩm không đạt chất lượng như yêu cầu của cuộc thi thì ban tổ chức có quyền không chọn, một khi đã chọn, có nghĩa các tác giả có giải vẫn có những nổi trổi nhất định.

Thứ ba nữa, một cuộc thi có uy tín, tầm cỡ thường phải kéo dài thời gian một năm, thậm chí hơn một năm, còn ở cuộc này, chỉ vẻn vẹn một tháng, vậy ban tổ chức có “cơ hội” đón nhận được tác phẩm như kì vọng hay không, khi mỗi nhà văn hầu hết viết bài đều phải có cảm xúc, chất xúc tác và hơn hết vẫn là thời gian. Họ tham gia cuộc chơi này vì thấy đây là một cơ hội cho họ rèn dũa thêm phần viết, câu từ của mình, cũng như cơ hội để các tác giả ngồi lại với nhau, xem xét nội dung tác phẩm sau khi đã công bố giải.

Chỉ qua cuộc thi thôi, chủ tút đã mạnh dạn nói rằng “nếu còn lối viết này, văn chương sẽ đi xuống”. Không ạ, trên đất nước Việt Nam này còn cả trăm, cả nghìn nhà văn chứ không riêng gì chúng tôi, những nhà văn nhỏ bé trong cuộc thi này không kéo nổi đâu ạ.

Văn chương đi lên từ những điều nhỏ bé, nếu như có những chệch choạc, thì mới có được những áng văn mang tính chất thời đại, đưa tinh hoa văn hóa, nếp sống, lịch sử của người Việt lên một tầm cao khác.

Chúng tôi không cần ca tụng, không cần biểu dương nhưng cũng đừng coi những người viết chúng tôi là kém cỏi, sơ sài và không làm gì nổi cho văn chương nước nhà. Vậy xin hỏi lại, Ban tổ chức cuộc thi đã làm được gì cho nền văn chương nước nhà hay chưa? Ngay cả bước cần thiết nhất, tặng sách kỉ niệm cho tác giả đoạt giải còn chưa có, thì liệu có nên nói về những nhà văn “không chuyên” bằng những lời lẽ khó nghe đó hay không?

 Ảnh minh họa: pngtree.vn.

Ảnh minh họa: pngtree.vn.

Giờ thì, cuộc thi này dường như đã chìm nghỉm, các tác phẩm không được công bố vì Ban tổ chức còn bận công bố cuốn sách của mình, văn chương của mình, và nhiều nội dung khác nữa.

Tôi cứ tưởng tượng rằng “hay cuộc thi này chỉ là cái cớ” để Ban tổ chức làm việc khác cho riêng mình. Nếu vậy thì xin Ban tổ chức chuyên tâm làm việc riêng đi, bỏ các nhà văn qua một bên, đừng cợt nhả họ như thế, họ kiếm tiền dựa trên chất xám của mình và họ cần được trân trọng. Vì trên mảnh đất chữ S này, không phải cứ nói nhà văn này, nhà văn nọ thế nào cũng được, họ có lòng tự trọng của họ.

Và hơn hết trưởng ban là một nhà văn mà. Giả sử một ngày nào đó, ai đó lên mạng “đá xéo” ông một cái về văn chương, chữ nghĩa của ông thì sao, liệu ông có nổi nóng lên mà rằng “đừng đụng chạm đến tôi”.

Trao cho họ mấy triệu tiền giải, không có nghĩa ông được quyền bôi nhọ danh dự nhân phẩm và cách viết của từng nhà văn. Tôi miên man nghĩ về những câu chữ đó, dẫu gì nó cũng đã in sâu vào tiềm thức một số nhà văn khác khi đọc những dòng chữ nói về các nhà văn với một giọng điệu “mỉa mai”. Cuốn sách vẫn còn trên kệ, và chính tôi cũng chưa “vinh dự” được cầm trên tay để đọc và biết phong cách viết của Trưởng Ban tổ chức cuộc thi như thế nào.

Xin khép lại những lời kia với một câu ngắn gọn “Nếu tiền mua được những nhà văn, thì lúc đó văn chương mới đi xuống” chủ tút ạ!

Ngọc An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cafe-chu-nhat-nha-van-co-dang-bi-coi-thuong-post710475.html