Cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Ninh Bình đang nỗ lực thực thi các nội dung đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, trong đó có cam kết về cải cách hành chính và minh bạch hóa thủ tục hành chính nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, cải cách hành chính và minh bạch hóa thủ tục hành chính có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực thi các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung các hiệp định, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản mới, rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, thống nhất, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo trật tự xã hội ở địa phương.
Theo đó, năm 2022, tỉnh đã thẩm định 93 dự thảo văn bản, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tiến hành rà soát, tự kiểm tra 129 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thực hiện theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác xúc tiến thu hút đầu tư tiếp tục được đổi mới. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư như: tổ chức thành công hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 40 đại diện doanh nghiệp tham dự, hầu hết là chủ tịch, CEO các tập đoàn, tổng công ty lớn và chuyên đầu tư về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đa lĩnh vực, nổi bật có Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Đồng Tâm, CEN Group, Tập đoàn SSG, Tập đoàn Masterise, Tổng công ty IDICO, Saigon Tourist... Tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022; tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến đầu tư, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức JETRO về xúc tiến đầu tư với các đối tác Nhật Bản; cử Đoàn cán bộ cấp cao của tỉnh xúc tiến đầu tư thương mại ở các nước Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Hy Lạp.
Cùng với đó, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành được tỉnh đặc biệt quan tâm hướng tới xây dựng, phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 12/63 toàn quốc (tăng 7 bậc so với năm 2020); chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR-Index) do Bộ Nội vụ chủ trì đánh giá, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quản quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố năm 2021 tỉnh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố.
Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử; cơ bản hình thành chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Với quyết tâm chính trị cao nhất, tỉnh đang từng bước hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra, góp phần tạo bước đột phá quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số trong thời gian qua của tỉnh Ninh Bình đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.
Để quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được thuận lợi, tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã gắn với triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã công khai bộ thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo đầy đủ, dễ tra cứu, trong đó ưu tiên thực hiện các các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần liên quan đến đầu tư, xuất, nhập khẩu, thuế, hải quan...
Trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại, ngoài việc rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tiếp tục cải tiến quy trình, áp dụng hệ thống thông quan điện tử, tạo môi trường chuyên nghiệp, minh bạch, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp địa phương vươn ra thế giới, đạt được thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ hiệu quả doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, gắn với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các địa phương.