Cải cách hành chính nông nghiệp hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân

Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Chiều ngày 21/12/2020, tại Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và định hướng cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.

Tiết kiệm hàng tỷ đồng từ cải cách thủ tục hành chính

Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Sông Thao – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cho biết, giai đoạn 2011-2020, việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được Bộ coi là công tác trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và đã giành được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, hệ thống thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày càng được tinh gọn, đơn giản hóa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện.

Cụ thể, đến tháng 12/2020, có tổng số 390 TTHC lĩnh vực NN&PTNT được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ và website của các đơn vị theo đúng quy định. So với thời điểm tháng 1/2016, Bộ NN&PTNT đã cắt giảm 118 TTHC... Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã công bố Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp đến ngày 30/6/2019 gồm 272 điều kiện. Số lượng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa gồm 251 điều kiện, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 1.768 dòng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng, với tỷ lệ cắt giảm trên 77%, cũng như công khai đầy đủ Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên trang thông tin điện tử...

Như vậy, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT đã đạt yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh ước tiết kiệm được 233.790 ngày công, tương đương 32 tỷ đồng/năm; việc cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành ước tính tiết kiệm được 1.800.403 ngày công/năm, tương đương gần 1.300 tỷ đồng/năm.

Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ này đã triển khai xây dựng tổng số 27 dịch vụ công mức độ 3,4; tích hợp, kết nối thí điểm thành công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đang được tiếp tục hoàn thiện để tích hợp, kết nối đầy đủ.

Đặc biệt, về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ NN&PTNT đã thực hiện triển khai kết nối 22/33 TTHC (11 thủ tục đang được khẩn trương thực hiện theo kế hoạch để kết nối) tại 7 đơn vị thuộc Bộ. Đến nay, đã cấp phép điện tử tổng số 919.000 hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia...

Theo ông Nguyễn Sông Thao, những kết quả nói trên được minh chứng bằng việc cải thiện rõ rệt Chỉ số cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT, từ xếp hạng thứ 13 (năm 2016) lên vị trí thứ 7 (năm 2017), và giữ vị trí thứ 4 trong 2 năm liên tiếp gần đây (năm 2018 và 2019).

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Sông Thao, nhìn chung, cải cách hành chính của ngành Nông nghiệp vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của ngành. Các kết quả cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT còn khiêm tốn, tiến trình cải cách hành chính diễn ra chậm và chưa đồng bộ. Mặc dù các chủ trương và yêu cầu cải cách đã rõ ràng, chỉ đạo kiên quyết, tuy nhiên, một số việc triển khai gặp nhiều vướng mắc do văn bản quy định chưa được điều chỉnh kịp thời.

Nhằm hiện đại hóa hành chính, Bộ NN&PTNT tiếp tục xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử của Bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử của Bộ dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng. Nâng cao chất lượng giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tập trung triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, cải cách hành chính vẫn là việc phải làm thường xuyên, lâu dài vì công cuộc cải cách hành chính gắn liền với sự phát triển của Nhà nước.

Vì vậy, thời gian tới, việc cải cách TTHC càng quan trọng hơn, đó là giảm tối thiểu các TTHC trên quan điểm là chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau, đánh giá rủi ro. Nghĩa là người thực hiện hiện các TTHC sẽ tự chủ, tự quản lý còn Nhà nước trên cơ sở đánh giá rủi ro sẽ có quy trình kiểm soát sau.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: "Một trong những giải pháp đột phá tới đây cần phải làm là ứng dụng công nghệ thông tin vào Chính phủ điện tử để làm tốt hơn và mọi người có thể tiếp xúc với Chính phủ, tham gia với Chính phủ một cách công khai, minh bạch” – ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Về định hướng cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính phát triển, xây dựng nhà nước kiến tạo, hành động, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo sự kiểm soát, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan hành chính. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định TTHC, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo; cập nhật, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản trên môi trường mạng; số hóa kết quả giải quyết TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa để cải thiện chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông..../.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-12-21/cai-cach-hanh-chinh-nong-nghiep-huong-toi-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-nguoi-dan-97170.aspx