Cải cách tiền lương sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá

Theo kế hoạch, việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2024, đòi hỏi có nhiều giải pháp để kiểm soát giá cả hàng hóa khi tăng lương

Trong thời gian tới, dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước, trong đó có việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương. Đây là nội dung được nêu tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá những tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.

Chính phủ yêu cầu không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Chính phủ yêu cầu không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Các yếu tố khác sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá thời gian tới gồm giá các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới; áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; tỉ giá giữa Đồng Việt Nam và USD tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; chi phí vận tải đường biển tăng...

Trước áp lực đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4 - 4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%.

Đồng thời, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột, căng thẳng địa chính trị.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát.

Cùng với đó, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trước đó, trả lời Báo Người Lao Động về các giải pháp để giá hàng hóa không "té nước theo mưa" khi tăng lương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết nhiều ý kiến lo ngại khi tăng lương, giá cả hàng hóa tăng theo, khiến việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa.

Chia sẻ với những lo lắng đó của người dân, song Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết trong những lần tăng lương gần đây, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kiểm soát thị trường giá cả, hạn chế tối đa tình trạng giá hàng hóa tăng cao khi tăng lương. Thứ trưởng cũng nhìn nhận, bản thân thị trường, người dân cũng đã thích ứng với các đợt tăng lương, nên không bị tác động nhiều.

Đứng ở góc độ điều hành, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hàng hóa không tăng giá khi thực hiện tăng lương.

Theo ông Chi, tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, hàng loạt giải pháp đã được nêu ra, trong đó cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu…

Bên cạnh đó, chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá như viện phí, học phí… Việc điều hành cần căn cứ trên cơ sở tín hiệu của thị trường. "Việc tăng ở mức nào, thời điểm nào cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh xáo trộn lớn về mặt bằng giá, không tăng giá đột ngột, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát"- Thứ trưởng nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, bình ổn thị trường, chống đầu cơ, thao túng giá. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá.

"Với các giải pháp được chủ động triển khai đồng bộ, việc tăng lương sẽ không tác động nhiều đến giá hàng hóa, dịch vụ, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra"- Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-cach-tien-luong-se-gay-ap-luc-len-mat-bang-gia-196240625121418749.htm