Cải cách từ trên xuống, mở ra cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới

Cả ba động lực tăng trưởng truyền thống đều có những vấn đề nghiêm trọng. Đến cuối năm 2024, cả nước còn hơn 5.000 dự án gặp khó khăn về thủ tục, với tổng giá trị các dự án bị đình trệ lên tới hơn 1,2 triệu tỉ đồng.

Mục tiêu tăng trưởng hai con số được đặt ra khi chưa xảy ra cuộc đối đầu toàn diện về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự quyết liệt của Mỹ trong việc thay đổi trật tự thương mại quốc tế của thời kỳ toàn cầu hóa.

Đây là vấn đề rất mới không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. Mọi tính toán, mọi mô hình, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế hướng ngoại, dựa vào xuất khẩu và những nền kinh tế hướng nội, dựa vào bảo hộ mậu dịch đều phải xét lại.

Việt Nam lại là nền kinh tế thuộc loại mở nhất thế giới, có quan hệ thương mại lớn với hai đầu Trung Quốc – Mỹ, thì mức độ ảnh hưởng lại càng lớn, nhất là khi xu hướng già hóa dân số nước ta rất đáng lo ngại.

 PGS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích về động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 40 năm đổi mới và giải pháp cho giai đoạn mới.

PGS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích về động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 40 năm đổi mới và giải pháp cho giai đoạn mới.

Động lực tăng trưởng truyền thống của 40 năm đổi mới

Trước khi bàn tới mục tiêu tăng trưởng hai con số đang gây nhiều xúc động thì chúng ta phải trở lại với kết quả 40 năm đổi mới. Việt Nam chưa năm nào đạt tăng trưởng hai con số.

Biểu đồ tăng trưởng từ 1991 đến nay thì cứ 10 năm đầu tiên là tăng trưởng tốt nhất, trung bình gần 8%/năm trong đó cao nhất là năm 1995, GDP tăng 9,5%, nhưng mấy năm sau đó tụt rất sâu. Đến giai đoạn 2001-2011, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình gần 7%, còn 2011-2021 tụt xuống chỉ còn trung bình gần 6%.

Chúng ta cần đánh giá tận cùng vấn đề về các động lực tăng trưởng truyền thống đã tạo ra kết quả tăng trưởng ấy.

Yếu tố đầu tiên là vốn đầu tư thì “nhìn chung” không tệ. Nhưng “nhìn kỹ” có nhiều vấn đề, đó là đầu tư tư nhân rất yếu, cả về giá trị và cơ cấu. Nhưng năm 2020-2024 chỉ tăng gần 6%, tức là giảm sâu, chỉ bằng 1/3 mức trung bình giai đoạn 2014-2019.

Đầu tư công thì chật vật, năm 2024 chỉ tăng được 5,3%. Câu hỏi rất lớn là tại sao vốn đầu tư công sẵn đấy, dự án có đấy, nhưng chính các cơ quan nhà nước lại không triển khai được, không giải ngân được?

Đáng lo ngại nữa là vòng quay tiền tệ rất chậm. Tiền, là máu của nền kinh tế, nhưng năm 2023-2024 chỉ ở quay 0,55-0,65 vòng/năm, so với mức bình thường của các nền kinh tế thị trường phải từ 1,5-2. Quay chậm thế thì tăng trưởng không thể tốt được.

Đặc điểm của Việt Nam là tiết kiệm trong dân rất lớn, vòng quay của vốn chậm do hầu hết tiết kiệm ấy đều để đó hoặc đổ vào bất động sản, chứ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Vốn đầu tư khu vực FDI tăng tốt, đạt mức 9-12%/năm, đóng góp 22-24% GDP. Tuy nhiên chất lượng không cao, không tạo ra kết nối với doanh nghiệp nội địa, tiềm ẩn rủi ro.

Tổng cầu suy giảm mạnh, doanh nghiệp đóng cửa ngày càng nhiều

Cũng ở động lực tăng trưởng truyền thống, yếu tố tổng cầu suy giảm mạnh, kéo dài từ những năm COVID đến nay. Triển vọng phục hồi chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chỉ tăng 9,6%, trừ lạm phát còn 7,1%; đến 2024 chỉ tăng 9%, trừ lạm phát còn 5,9%.

Quan sát thì thấy doanh nghiệp, cửa hàng làm ăn đóng cửa nhiều. Doanh nghiệp tư nhân dừng hoạt động, giải thể với số lượng lớn ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập dân cư, thêm phần kéo giảm tổng cầu.

Trong yếu tố tổng cầu chỉ có du lịch là điểm sáng, với du lịch quốc tế 2024 tăng 39% và quý I/2025 tăng tiếp 29%.

Tổng cầu là vấn đề sống còn của nền kinh tế, nhưng suy giảm, phục hồi chậm như vậy thì rất đáng lo ngại.

Trong các động lực tăng trưởng truyền thống chỉ có xuất khẩu là tăng trưởng tốt, nhưng lại lệ thuộc vào khu vực FDI, chiếm tới 72-75% giá trị, và còn phụ thuộc vào hai đầu thị trường lớn, với Trung Quốc là thị trường đầu vào, Mỹ là đầu ra.

Như vậy, cả ba động lực tăng trưởng truyền thống đều có những vấn đề nghiêm trọng.

Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, rủi ro pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ. Chi phí tuân thủ chiếm tới 10-15% doanh thu của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời gian xử lý thủ tục hành chính trung bình của một dự án đầu tư lớn kéo dài hơn 10 tháng. Đến cuối năm 2024, cả nước còn hơn 5.000 dự án gặp khó khăn về thủ tục, với tổng giá trị các dự án bị đình trệ lên tới hơn 1,2 triệu tỉ đồng.

Chưa kể, diễn biến về đời sống doanh nghiệp Việt, sau giai đoạn hứng khởi 2005-2010, số thành lập mới áp đảo số rút khỏi thị trường, thì 10 năm gần đây 2014-2024, hiện tượng rất đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tiến gần đến số lượng thành lập mới.

Muốn bứt phá chắc phải có tư duy rất khác

Về các động lực tăng trưởng mới, chẳng hạn khoa học công nghệ, thì chính xác rồi. Nhưng khoa học kỹ thuật là then tốt, chúng ta khẳng định hàng chục năm qua, đến nay có gì trong tay? Giờ tái khẳng định, liệu ta có nguồn lực để làm khoa học công nghệ không? Có năng lượng, có năng lực để làm AI, làm chíp bán dẫn không?

Cuộc cách mạng về công nghệ diễn ra trên bình diện toàn cầu này có cái hay là những nước đi sau như Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để bứt phá. Nhưng bứt phá theo cách nào, đi theo để vượt trước hay đi sau để vượt lên? Muốn bứt phá ở giai đoạn này, bối cảnh này, chắc phải có tư duy rất khác.

Động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu dần trong khi động lực tăng trưởng mới lại chưa hình thành. Yếu tố rủi ro ấy trở nên sâu sắc hơn ở mô hình “đôi cánh” tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, là thu hút vốn FDI và tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Biểu đồ diễn biến từ năm 1992-2024, “đôi cánh” tăng trưởng này vỗ rất đều. Nhưng đi sâu vào phân tích sẽ thấy hệ lụy rất lớn là cơ cấu kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước lại thành hai đường bay ngược chiều: FDI đi lên, doanh nghiệp trong nước đi xuống, đặc biệt là giai đoạn từ 2011-2024.

Như vậy, nỗ lực của Việt Nam trong việc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhưng lợi ích thì khu vực FDI hưởng lợi ngày càng nhiều trong khi doanh nghiệp trong nước chẳng tận dụng được bao nhiêu.

Chưa kể, mô hình gia công xuất nhập khẩu này bộc lộ rõ những điểm yếu chí tử về cơ cấu, là hàm lượng công nghệ thấp, không có năng lực và động lực vượt trần công nghệ.

Cải cách từ trên xuống để bước vào kỷ nguyên mới

Việt Nam đang bị "kẹp" giữa cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Đồ thị nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang Mỹ rất đồng pha, song hành cả giai đoạn 2014-2024. Tăng trưởng tốt đấy, song chỉ tạo giá trị tích cực ngắn hạn. Còn trung hạn, với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Việt Nam đối mặt nhiều yếu tố tiêu cực, rủi ro khó lường.

Nhưng thương chiến Mỹ - Trung cũng cần được xem là áp lực, là cơ hội để Việt Nam quyết tâm thay đổi theo hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường, tự chủ, phát huy tối đa những gì đang có.

Yếu tố này có thể được cộng hưởng với khí thế chưa từng thấy của các nhà lãnh đạo, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao cả về số lượng và chất lượng.

Trong tinh thần ấy, chúng ta cần mạnh dạn từ bỏ cách thức, mô hình tăng trưởng cũ, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà những năm qua chúng ta theo đuổi.

Để tăng trưởng chất lượng cao thời gian tới không thể dựa vào các năng lực truyền thống, mà phải tạo ra năng lực mới. Cần tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên hàng đầu cho những hình thức doanh nghiệp mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới.

Không khí cải cách bây giờ, biểu hiện trong những tháng qua cho thấy chúng ta đang khởi động công cuộc đổi mới lần hai, cải cách từ trên xuống. Cải cách theo cách ấy sẽ triệt để hơn, an toàn hơn cho địa phương.

Kinh nghiệm thành công của các nền kinh tế theo mô hình Đông Bắc Á cho thấy tầm nhìn, cách tiếp cận của họ là “vượt trần công nghệ”. Các nhà lãnh đạo dám phá vỡ trần thủy tinh để vươn lên với nhãn quan rộng mở.

Với lực lượng doanh nghiệp Việt, nhất là kinh tế tư nhân phải được khẳng định không chỉ là động lực quan trọng nhất mà phải có được vị thế bình đẳng. Lực lượng doanh nghiệp dân tộc này cần phải chủ động "thay máu", để xây dựng các trụ cột gồm các tập đoàn, các doanh nghiệp có nền tảng khoa học công nghệ và tinh thần đổi mới sáng tạo.

Việt Nam phải hội nhập quốc tế ở tầm cao, để có thể mượn sức của thế giới, theo xu thế của thời đại mà phát triển.

Cùng với việc tổ chức lại cả hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, chúng ta phải kết hợp vào đó tầm nhìn và các giải pháp mở rộng không gian phát triển, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Để thực hiện cuộc cải cách quy mô rộng lớn, sâu sắc này, cũng cần phải kiểm điểm lại việc triển khai ba đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra, gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai yêu cầu đầu tiên ít nhiều ta đã thấy kết quả rõ nét, nhưng yêu cầu thứ ba là giáo dục thì xem ra còn mơ hồ. Chúng ta muốn tạo ra những năng lực phát triển mới, muốn cải cách theo cách mới, muốn tăng trưởng chưa từng có thì phải giải quyết được nút thắt này, để hình thành nguồn nhân lực mới, với yêu cầu rất khác cho một kỷ nguyên rất khác, với động lực phát triển chủ yếu dựa trên khoa học công nghệ.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(Lược ghi trình bày của PGS. TS Trần Đình Thiên- ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ-tại hội thảo về giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tuần qua)

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cai-cach-tu-tren-xuong-mo-ra-canh-cua-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post848730.html