Cái chết của thành phố thân thiện nhất thế giới

Việc thiếu du khách quốc tế đã làm tê liệt các hoạt động kinh doanh ở Chiang Mai (Thái Lan).

Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler đã yêu cầu độc giả bình chọn cho “Thành phố thân thiện nhất thế giới” năm đại dịch 2020, dù chẳng mấy ai được đi du ngoạn.

Ấy vậy, Chiang Mai (Thái Lan) vẫn đứng ở vị trí đầu bảng, được mô tả là một nơi mà “nếu bạn ở lại trong vài ngày, người dân địa phương sẽ nhớ mặt bạn và chủ động chào hỏi”.

 Chợ đêm náo nhiệt ở Thái Lan. Ảnh: Holger Mette.

Chợ đêm náo nhiệt ở Thái Lan. Ảnh: Holger Mette.

Thành phố cổ này không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Chiang Mai chỉ ghi nhận vài ca bệnh và duy nhất một trường hợp tử vong, theo SCMP.

Tuy nhiên, xét trên bình diện kinh tế, việc thiếu du khách quốc tế đã làm tê liệt các hoạt động kinh doanh du lịch như nhà hàng, khách sạn, quán bar, trang trại nuôi voi và trường học massage.

“Đây là một thảm họa. Thông thường, vào thời điểm này trong năm, khách khứa ngồi kín chỗ. Nhưng giờ đây, quang cảnh ngược lại. Không có khách thì chẳng có thu nhập”, Ratana Jaikusol - chủ sở hữu của nhà hàng Ratana’s Kitchen trên đường Tha Pae, con phố chính của Chiang Mai - nói.

“Tôi buộc phải cho phần lớn nhân viên nghỉ việc. Hiện họ trở thành các shipper. Vẫn là giao đồ ăn nhưng họ thực hiện trên xe máy, thay vì chạy bàn như trước”, bà cho biết.

Trước tình hình đại dịch chưa có dấu hiệu được kiểm soát, các chủ doanh nghiệp như Ratana sẽ phải đối mặt với một năm 2021 đầy khó khăn.

 Các khách sạn, nhà hàng ở Chiang Mai vắng bóng du khách vì Covid-19. Ảnh: Dhara Dhevi.

Các khách sạn, nhà hàng ở Chiang Mai vắng bóng du khách vì Covid-19. Ảnh: Dhara Dhevi.

Khách sạn cố gắng bám trụ

Cảnh quan thật yên tĩnh tại Anantara Chiang Mai Resort. Syahreza Ishwara - quản lý khu nghỉ dưỡng - nói rằng giống như các khách sạn khác khắp xứ Chùa Vàng, ông phải cho một số nhân viên nghỉ việc hoặc giảm lương.

“Chúng tôi phần nào được giúp đỡ nhờ trợ cấp của chính phủ dành cho khách du lịch trong nước. Thế nhưng, công suất hoạt động của khách sạn vẫn giảm. Chúng tôi hy vọng một khi vaccine được phổ biến, hoạt động kinh doanh sẽ phát triển trở lại”, ông nói.

Những chuỗi khách sạn quốc tế như Anantara có thể chịu một khoản lỗ nhất định, nhưng các khách sạn nhỏ, tư nhân thì không.

Gade Grey - chủ sở hữu khách sạn Elliebum Boutique ở trung tâm thành phố cổ Chiang Mai - cho biết: “Công suất hoạt động của chúng tôi giảm xuống còn khoảng 10%, so với mức trung bình là 70%”.

“Chúng tôi đã thử mọi thứ để kiếm thêm thu nhập, từ mở triển lãm nghệ thuật, tổ chức trình diễn nhạc sống đến nướng thịt lợn để bán mang đi (take-away). Gần đây, chúng tôi cho ra mắt một thương hiệu ẩm thực mới có tên Spread the Love nhằm sản xuất patê, sốt chanh vàng và nước chấm kiểu Trung Đông để giao hàng tận nhà. Hiện nó ngày càng trở nên nổi tiếng”, cô chia sẻ.

 Một buổi biểu diễn nhạc sống ở Chiang Mai. Ảnh: Malloo.

Một buổi biểu diễn nhạc sống ở Chiang Mai. Ảnh: Malloo.

Pakkanan Winijchai - giám đốc Văn phòng Cơ quan Du lịch Thái Lan tại Chiang Mai - cho biết chính quyền đang làm mọi thứ để du khách cảm thấy an toàn.

“Chúng tôi trao chứng chỉ Quản lý An toàn và Sức khỏe cho tất cả khách sạn, nhà hàng và địa điểm du lịch tuân thủ các quy tắc phòng dịch bao gồm đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, nước rửa tay… Nhờ đó, du khách có thể yên tâm vui chơi, nghỉ dưỡng tại các cơ sở đó”, bà nói.

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Tuy nhiên, hiện hầu hết quốc gia đều cấm du lịch quốc tế”, giám đốc chia sẻ.

Mất kế sinh nhai

Khi khách du lịch đến Chiang Mai, họ đổ xô đến các quán bar và địa điểm biểu diễn nhạc sống của thành phố. Bản thân họ cũng cảm nhận được nỗi đau mà đại dịch đem lại.

Ngày 6/1, Văn phòng y tế cộng đồng Chiang Mai đã đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí ban đêm nhằm hạn chế làn sóng Covid-19 mới bùng phát khắp Thái Lan.

“Tôi hiếm khi rời khỏi nhà mà không có chiếc guitar đi cùng. Nhưng khi mọi hàng quán đóng cửa, một ngôi sao nhạc rock giả như tôi cũng phải trở thành ẩn sĩ chân chính”, Oliver Benjamin chia sẻ với SCMP.

“Tuy nhiên, nỗi sầu của tôi chẳng thấm vào đâu so với hoàn cảnh của các nhạc công người Thái Lan tại địa phương - những người không chỉ chơi cho vui mà còn để kiếm sống. Nhiều bạn bè của tôi đang gặp khó khăn vô cùng khi kế sinh nhai của họ hoàn toàn bị phá hủy”, anh nói. Mãi đến đầu tháng 2, họ mới được mở cửa trở lại.

 Nhiều trang trại nuôi voi ở Thái Lan phải đóng cửa vì không thể bám trụ. Ảnh: Patara.

Nhiều trang trại nuôi voi ở Thái Lan phải đóng cửa vì không thể bám trụ. Ảnh: Patara.

Một trong số điểm du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Chiang Mai là các trại nuôi voi, đơn giản bởi chăm sóc loài vật này tốn rất nhiều tiền. Tiền mua thức ăn và trả công cho người chăm sóc chúng rơi vào khoảng 1.300 bath/ngày (44 USD).

Trước đại dịch, khoảng 80 trại nuôi voi hoạt động ở miền bắc xứ Chùa Vàng. Hiện hầu hết đã đóng cửa, khiến 1.000 con voi rơi vào cảnh bơ vơ, không ai chăm sóc.

“Một số người nghĩ rằng việc đóng cửa trại sẽ tốt cho lũ voi, nhưng sự thật lại trái ngược. Chúng cần tập thể dục đều đặn. Chúng là những sinh vật nhạy cảm và gặp phải các vấn đề về cảm xúc, tinh thần khi bị tách rời khỏi đàn hay nơi sống quen thuộc”, Theerapat Trungprakan - chủ sở hữu Trang trại voi Patara và là chủ tịch của Hiệp hội Liên minh voi Thái Lan - cho biết.

“Ngoài ra, nếu không có chế độ ăn uống đa dạng, chúng dễ bị ốm, mà chi phí chăm sóc thú y cho một con voi rất tốn kém”, ông nói thêm.

Khoảng 40 trên tổng số 80 con voi ở trang trại của ông Trungprakan phải trở về ngôi làng của chúng - nơi chúng có thể tự kiếm ăn trong rừng. Ngoài ra, các nhân viên phải chịu cắt giảm 50% lương.

 Các lớp học của bà Homprang Chaleekhana phải tổ chức trên Zoom. Ảnh: Ron Emmons.

Các lớp học của bà Homprang Chaleekhana phải tổ chức trên Zoom. Ảnh: Ron Emmons.

Từ lâu, Chiang Mai trở thành điểm đến phổ biến cho những ai muốn học kỹ năng nấu nướng, massage và thiền của người Thái. Và đại dịch Covid-19 cũng tàn phá cả các doanh nghiệp này.

“Chúng tôi tổ chức các lớp dạy trực tiếp. Ngay đầu năm 2020, chúng tôi đã được đặt kín chỗ trong suốt 365 ngày tiếp theo. Thế nhưng, khi đại dịch xuất hiện, chúng tôi buộc phải đóng cửa sau 6 tháng bám trụ”, Homprang Chaleekhana - người sở hữu trường dạy massage Baan Hom Samunphrai - chia sẻ.

“Thông thường, tôi dạy các buổi học massage và thảo dược truyền thống của Thái Lan. Nhưng vì học viên không thể đến lớp nữa, tôi bắt đầu mở các khóa học yoga Rasidaton trên Zoom”, bà nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-chet-cua-thanh-pho-than-thien-nhat-the-gioi-post1184018.html