'Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…'

Tháng 5 năm nay, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, nhiều câu chuyện được kể lại, nhiều ký ức được nhắc nhớ. Và nhiều người lại nhắc đến nhà thơ Phạm Tiến Duật với những bài thơ Trường Sơn của ông.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Nhắc tới là bởi, thi sĩ Phạm Tiến Duật được ví như một tượng đài thi ca ở Trường Sơn, thi sĩ của đường mòn Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ. Thậm chí, ông còn được ví với hình ảnh “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”…

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (1940-2007) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lên đường nhập ngũ và ông đã có 8 năm gắn bó với Trường Sơn, với Đoàn 559.

Sinh thời, Phạm Tiến Duật từng nói rằng, việc ông có mặt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, cuốn vào cuộc chiến ác liệt của quân và dân ta là một cuộc phiêu bạt lớn của số phận.

Chỉ khi ở đây, ông mới thấu hiểu và ghi nhận được vẻ đẹp và sức mạnh của thời đại mình qua hình ảnh rất cụ thể của người chiến sĩ lái xe, cô thanh niên xung phong, thậm chí là con muỗi, con bướm trong rừng…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận, thơ của Phạm Tiến Duật những năm ở Trường Sơn không phải là một bản thánh kinh, nhưng là một điều gì đó kỳ lạ của thời điểm ấy. Một bộ phận được phân công chuyển thơ của Phạm Tiến Duật lên điểm chốt đó. Bộ phận này đã tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối và cho thơ Phạm Tiến Duật vào đó rồi bắn lên chốt. Đây là một câu chuyện có thật, nhưng khi được kể lại nó đã trở thành huyền thoại.

Câu chuyện đó là một hiện thực huyền thoại. Đấy là một hiện thực chứa đựng sự kỳ diệu lộng lẫy của thi ca và đời sống tinh thần của con người ở bất cứ nơi nào trên thế gian này.

Còn nhà thơ Quần Phương từng nhận định: “Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ. Nói đến đề tài Trường Sơn đánh Mỹ, người ta không thể quên Phạm Tiến Duật và thơ Phạm Tiến Duật hay nhất cũng ở chặng Trường Sơn...”.

Nhớ Trường Sơn, nhớ con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, một lần nữa chúng ta cùng đọc lại chùm thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, trong đó không thể thiếu “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” – bài thơ được nhiều người cho rằng hay nhất của Phạm Tiến Duật và hay nhất của thơ chống Mỹ, với những câu đầy lãng mạn: “Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Em xuống núi nắng về rực rỡ/ Cái nhành cây gạt mối riêng tư…”.

Gửi em, cô thanh niên xung phong

Có lẽ nào anh lại mê em

Một cô gái không nhìn rõ mặt

Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom

Áo em hình như trắng nhất

Người tinh nghịch là anh dễ thân

Bởi vì thế có em đứng gần

Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”

Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để

Anh lặng người như trôi trong tiếng ru

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù

Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt

Mọi người cũng tò mò nhìn anh

Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối

Em ơi em, hãy nghe anh hỏi

Xong đoạn đường này các em làm đâu

Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu

Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn

Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm

Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều

Những con đường như tình yêu mới mẻ

Ðất rất hồng và người rất trẻ

Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm

Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng

Rực rỡ mặt đất bình minh

Hấp hối chân trời pháo sáng

Ðường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạc trên đường hành quân

Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi

Lại đường mới và hàng nghìn cô gái

Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời mùa hanh

Nước trắng khe mùa lũ

Ðêm rộng dài là đêm không ngủ

Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

"Cạnh giếng nước có bom từ trường

Em không rửa ngủ ngày chân lấm

Ngày em phá nhiều bom nổ chậm

Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà..."

Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa

Thương em, thương em, thương em biết mấy...

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại

Sẽ giật mình: đường mới ta xây

Ðã có độ dài hơn cả độ dài

Của đường sá đời xưa để lại

Sẽ ra về bao nhiêu cô gái

Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ

Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ

Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt

Có lẽ nào anh lại mê em

Từ cái đêm "Thạch Nhọn Thạch Kim"

Tên em đã thành tên chung anh gọi

Em là cô thanh niên xung phong.

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây

Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác

Như anh với em, như Nam với Bắc

Như Đông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn Tây anh đi, thương em

Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo

Muỗi bay rừng già cho dài tay áo

Rau hết rồi, em có lấy măng không?

Em thương anh bên tây mùa đông

Nước khe cạn, bướm bay lèn đá

Biết lòng anh say miền đất lạ

Chắc em lo đường chắn bom thù.

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa

Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ

Em xuống núi nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

Đông sang tây không phải đường thư

Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo

Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo

Tây Trường Sơn, bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh

Những đoàn quân trùng trùng ra trận

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.

Đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước,

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

NHẬT ĐĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cai-gat-nuoc-xua-di-noi-nho-10281026.html