Cải lương 'cháy vé' nhưng còn lắm băn khoăn

Niềm vui khi cải lương 'cháy vé', đông khán giả nhưng việc 'cải lương Việt kể tích Tàu' trở thành nỗi băn khoăn đối với những người làm nghề.

Từ tháng 7-2023, nhiều show cải lương được tổ chức tại nhiều nhà hát trên địa bàn TP.HCM. Thậm chí, các show diễn dày đặc đến nỗi chồng lịch lẫn nhau.

Live show ồ ạt

Vào tối 8-7, sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã công diễn vở Sóng gió Đại Minh Triều tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với sự góp mặt của NSƯT Tú Sương, Võ Minh Lâm, Chí Linh, Vân Hà, Huy Trường…

Bên cạnh niềm vui khán giả kín rạp, “cháy vé” thì điều khiến nhiều người phải trăn trở là hầu hết các vở mà sân khấu cải lương đang diễn đều có nguồn gốc sử Tàu và vắng bóng những vở về lịch sử Việt Nam.

Cũng trong đêm này, tại Nhà hát Bến Thành, sân khấu Vũ Luân diễn vở Mão Đoan Tinh giáng thế của NSƯT Vũ Luân với sự tham gia của cặp đôi Vũ Trần - Trường Giang cùng các nghệ sĩ như Ngọc Huyền, Linh Tâm, Hồng Tơ, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo…

Tương tự, hai show cải lương của đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long và chương trình Tài danh đất Việt 4 của ông bầu Gia Bảo cũng đã cùng diễn trong đêm 15-7.

Đối với đoàn cải lương đồng ấu Bạch Long, hơn 200 khán giả đã có một đêm mãn nhãn khi được xem vở Mộc Quế Anh dâng cây. Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Bạch Long dàn dựng cho đoàn và diễn trọn vẹn vở này với sự “thử sức” của các diễn viên trẻ.

Còn trong chương trình Tài danh đất Việt 4 của ông bầu Gia Bảo, diễn vở Bao Công xử án Quách Hòe. Vở có sự trở lại của nghệ sĩ Minh Cảnh từ Mỹ trở về cùng dàn nghệ sĩ gạo cội như NSND Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Hằng, Trọng Phúc, Kim Tử Long, Linh Tâm… đã trở thành một đêm diễn đáng nhớ đối với khán giả.

Sau đó, chương trình Tằm tơ nhả ngọc cũng được diễn ra vào ngày 5-8.

Cùng với đó, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cũng đã tái diễn vở Hoàn Châu cách cách tại rạp Hồng Liên (quận 6). Đến tối 19-8, đoàn cũng đã công diễn vở Thất tiên nữ với sự góp mặt của NSƯT Hoài Linh.

NSƯT Tú Sương và Kim Nhuận Phát trong vở Mộc Quế Anh dâng cây. Ảnh: VĂN HÀ

NSƯT Tú Sương và Kim Nhuận Phát trong vở Mộc Quế Anh dâng cây. Ảnh: VĂN HÀ

Để có chỗ ngồi đẹp chính diện sân khấu, khán giả phải mua vé với giá khá cao, trong đó vé có giá cao nhất gần đây dao động 1-2,5 triệu đồng/vé.

Nói về việc cải lương đang “cháy vé”, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho rằng đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ông cho rằng các vở diễn chưa có hướng phát triển lâu dài.

“Đối với việc bán vé giá cao, các sân khấu cần nhìn nhận đối tượng của mình là ai bởi khán giả bình thường thì mức giá đó có lẽ người ta không kham nổi, còn nếu hạ xuống thì có bán được không? Cho nên đó là vấn đề cần được đặt lại để xem xét kỹ mới tính được mình sẽ làm gì tiếp tục chứ như hiện nay nó cũng giống như là các sân khấu đang cố gắng duy trì, đối phó” - NSND Trần Ngọc Giàu nhìn nhận.

Vắng bóng vở cải lương về đề tài sử Việt

Thời gian qua, bên cạnh niềm vui khán giả kín rạp, “cháy vé” thì điều khiến nhiều người trăn trở là những vở mà các sân khấu cải lương diễn hầu hết có nguồn gốc sử Tàu, truyện Tàu và vắng bóng những vở lấy đề tài sử Việt.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, các sân khấu hiện nay đang diễn cải lương Hồ Quảng sẽ dẫn đến việc dùng vũ đạo và cốt truyện Trung Quốc mới phù hợp. Bên cạnh đó, ông cũng nhìn nhận kịch bản cải lương lấy cảm hứng từ sử Việt đang rất thiếu.

“Các thế hệ của NSND Thanh Tòng, Trường Sơn, Hữu Cảnh, Xuân Yến, Thanh Loan… không chỉ giỏi nghề hát mà còn có thể đi đến trình độ bậc thầy nên các anh chị nghiên cứu để tạo ra những yếu tố có thể mang hồn Việt nhiều hơn trong Hồ Quảng. Vì vậy, khi đó các thế hệ anh chị trước đã đổi lại là cải lương tuồng cổ, còn bây giờ các sân khấu không phải cải lương tuồng cổ mà dường như các sân khấu đang trở lại với cải lương Hồ Quảng” - ông nói.

NSƯT Kim Tử Long cho rằng bây giờ các sân khấu xã hội hóa cũng có nhiều gánh nặng cơm áo gạo tiền, họ tự bỏ tiền ra nên phải cân nhắc để lấy lại vốn cũng như lợi nhuận để dàn dựng những sản phẩm mới và việc đầu tư cho một vở về sử Việt hơi bị mạo hiểm.

“Bởi các sân khấu không biết bây giờ làm cải lương sử Việt có thu hút được khán giả không, có bán hết vé được không? Đó là nỗi lo của các sân khấu xã hội hóa chứ không phải là cải lương đề tài sử Việt không hay, mà vì tình hình chung cũng như thị hiếu của khán giả như vậy” - NSƯT Kim Tử Long cho hay.

Nói về hướng ra cho cải lương, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết đây là điều ông đang băn khoăn và là vấn đề rất quan trọng đối với những người làm nghề bởi việc dựng được và sống được hiện nay là rất kỳ công.

“Vì bây giờ tiền trả thù lao, luyện tập… đòi hỏi số tiền đầu tư lớn, công sức, thời gian nhiều nhưng việc khai thác vở diễn lại không được nhiều nên vẫn khó khăn. Làm sao cho hay để có khán giả đó là thử thách. Có khán giả thì mới có tiền trang trải và đi được đường dài” - NSND Trần Ngọc Giàu bày tỏ.

Cải lương đang rất cần được đầu tư

NSƯT Kim Tử Long chia sẻ những người làm nghề đang rất cần Nhà nước đầu tư vào những vở cải lương mang đề tài sử Việt.

“Hiện nay, TP.HCM có khoảng năm đoàn xã hội hóa như Minh Tơ, Huỳnh Long, Công ty Giải trí Kim Tử Long, Vũ Luân, Vân Hà - Chí Linh… Nếu các sân khấu dựng 300 triệu đồng một vở thì Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí cho họ khoảng 1/3 thôi để họ dựng một vở về lịch sử Việt Nam thì tôi nghĩ nó sẽ rất hay. Đặc biệt hơn nữa là qua đó truyền bá được sân khấu lịch sử cho công chúng xem, kiểu như Nhà nước và nhân dân cùng làm” - NSƯT Kim Tử Long bộc bạch.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/cai-luong-chay-ve-nhung-con-lam-ban-khoan-post749486.html