'Cai nghiện' khí đốt Nga - vấn đề không dễ giải quyết với châu Âu
Châu Âu đang tích cực 'bơm' đầy kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất mà không sử dụng nguồn cung cấp qua đường ống của Nga. Khu vực cũng đang nỗ lực tách rời hoàn toàn khí đốt Moscow vào năm 2027. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ đang là một thách thức.

Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch đề xuất luật để loại bỏ dần toàn bộ nguồn khí đốt và LNG của Nga vào cuối năm 2027. (Nguồn: Shutterstock)
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) từ Moscow qua đường ống đã giảm mạnh. Thế nhưng, mỗi năm, xứ bạch dương vẫn bán khoảng 19% khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt qua đường ống TurkStream cho châu Âu.
Châu Âu sẽ dễ dàng thích nghi
Gần đây, châu Âu đã thể hiện quyết tâm "ly hôn" khí đốt Nga. EU có kế hoạch vào tháng 6/2025 sẽ đề xuất lệnh cấm các hợp đồng mua mới khí đốt của Moscow và những giao dịch mua giao ngay. Các biện pháp này dự kiến có hiệu lực vào cuối năm.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng có kế hoạch đề xuất luật để loại bỏ dần toàn bộ nguồn khí đốt và LNG của Nga vào cuối năm 2027.
Việc cấm LNG của Nga trước đây đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán về gói trừng phạt thứ 16 của khối 27 thành viên được thông qua vào tháng 2/2025, nhưng đã bị hủy bỏ sau khi một số quốc gia thành viên phản đối.
Thoạt nhìn, châu Âu có thể sẽ dễ dàng thích nghi với sự thay đổi này. Thị trường khí đốt được cho là tương đối ổn định sau một mùa Đông khó khăn.
Thời tiết đặc biệt lạnh giá cùng với việc chấm dứt việc nhập khẩu khí đốt Moscow qua Ukraine vào tháng 1/2025 khiến lượng dự trữ của châu Âu giảm mạnh. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu LNG và thời tiết ấm hơn đã giúp khu vực lấp đầy kho dự trữ khí đốt.
Theo Gas Infrastructure Europe, khả năng lưu trữ đã đạt 43% công suất vào ngày 11/5, phục hồi từ mức thấp theo mùa là 35% vào cuối tháng 3/2025. Hãng tin Reuters ước tính, với tốc độ bơm khí hiện tại, khả năng lưu trữ có thể đạt 90% vào cuối tháng 9/2025.
Bên cạnh đó, dự kiến, trong tương lai mức tiêu thụ khí đốt của khu vực sẽ giảm do sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo và sự thu hẹp của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Đó là lý do người ta tin rằng, quá trình chuyển đổi khỏi khí đốt của Nga trở nên dễ dàng hơn.
Có lý do để e ngại
Thế nhưng, không phải mọi chuyện đang diễn ra như ý. Nhìn về phía Đông của châu Âu, các quốc gia thành viên như Slovakia và Hungary - vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu khí của Nga - đã phản đối kịch liệt cuộc "ly hôn" khí đốt này.
Đề xuất của Ủy ban chỉ cần đa số đủ điều kiện trong Nghị viện châu Âu là thông qua. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ có hai quốc gia phản đối, đề xuất vẫn có thể được thực thi.
Dù vậy, sự phản đối của Slovakia và Hungary có thể làm phức tạp thêm quá trình này.
Chưa dừng ở đó, đề xuất này cũng có thể phải đối mặt với sự phản đối từ một nguồn bất ngờ: Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Và như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào, Nga có thể tìm cách khôi phục - hoặc ít nhất là duy trì - việc bán khí đốt cho châu Âu - thị trường từng là quan trọng nhất của nước này.
Ủy viên Năng lượng châu Âu Dan Jorgensen từng tuyên bố, EU sẽ không khôi phục hoạt động nhập khẩu khí đốt sau bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào.
Nhưng Tổng thống Trump có thể gây sức ép buộc châu Âu phải chấp thuận việc mua khí đốt Nga.
Ngoài ra, việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Moscow cũng có thể trở nên khó khăn vì châu Âu đã mua rất nhiều LNG của xứ bạch dương.
4 tháng đầu năm 2025, LNG Nga chiếm tới 15% tổng lượng hàng nhập khẩu của châu Âu và trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai sau Mỹ (chiếm khoảng 55%). Do đó, việc cấm LNG của Nga sẽ làm tăng đáng kể sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự phụ thuộc này có thể trở nên rủi ro trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Và về cơ bản, khối 27 thành viên sẽ hoán đổi vị trí, từ phụ thuộc vào khí đốt Nga chuyển sang phụ thuộc LNG của Mỹ.
Như vậy, việc cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Nga là một chuyện, nhưng việc "cai nghiện" hoàn toàn khỏi nguồn cung năng lượng của Nga có thể trở thành một thách thức lớn hơn nhiều.