Mỹ 'bỏ rơi' châu Âu trong cuộc chiến thuế quan

Khi Mỹ tích cực đàm phán với Trung Quốc và Anh, EU lại rơi vào thế bị động trong cuộc chiến thuế quan. Phải chăng EU đang dần mất vai trò trong chiến lược thương mại toàn cầu của Mỹ?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN

Theo Wall Street Journal ngày 14/5, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tích cực thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh và thậm chí cả đối thủ truyền thống là Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) lại bị bỏ rơi một cách đáng ngạc nhiên, phơi bày những rạn nứt sâu sắc giữa hai đồng minh từng thân thiết.

Bất chấp nhiều nỗ lực đàm phán với Washington để dỡ bỏ các mức thuế mà Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách thương mại của 27 quốc gia thành viên EU, vẫn chưa đạt được bất kỳ bước đột phá nào.

Tổng thống Trump đã áp dụng mức thuế cơ bản 10% vào đầu tháng 4, cùng với mức thuế 25% đối với ô tô và thép. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước tháng 7 tới, mức thuế cao hơn là 20% sẽ có hiệu lực, trong bối cảnh chính quyền Trump tìm cách "cân bằng" thâm hụt thương mại xuyên Đại Tây Dương mà ông đổ lỗi hoàn toàn cho EU.

Agathe Demarais, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định: “Châu Âu không phải là ưu tiên của Mỹ. Tôi không nghĩ rằng trong bất kỳ lĩnh vực nào – dù là thương mại, quốc phòng hay bất kỳ lĩnh vực nào khác – châu Âu là ưu tiên. Và tất nhiên, đó là một điều hơi bất ngờ đối với người châu Âu trong các cuộc thảo luận của họ với các quan chức Mỹ”.

Cuối tuần trước, chính quyền Trump đã đạt được thỏa thuận với Thủ tướng Anh Keir Starmer, theo đó giảm thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu ô tô và thép của Anh. Đây là động thái đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ áp đặt một loạt thuế quan vào đầu tháng 4 đối với hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới.

Và vào đầu tuần này, Trung Quốc đã đạt được bước đột phá khi Washington và Bắc Kinh đồng ý cắt giảm thuế quan xuống còn 30% và 10% đối với hàng hóa của nhau. Vài giờ sau, Tổng thống Trump gọi EU là "tồi tệ hơn Trung Quốc". Lời chỉ trích gay gắt của ông vẫn tiếp diễn: "EU được thành lập để lừa gạt Mỹ".

Khi Washington đạt được thỏa thuận với cả đồng minh và đối thủ, lời kêu gọi giảm thuế từ Brussels vẫn chưa được lắng nghe. Khối này – và mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương trị giá 1,6 nghìn tỷ euro – đang bị đẩy xuống hàng cuối trong danh sách ưu tiên của Mỹ.

Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao tại tổ chức tư vấn Atlantic Council có trụ sở tại Washington D.C., cho biết: “Các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản và thậm chí cả Việt Nam hiện đang được Mỹ ưu tiên hơn EU vì họ biết điều này rất khó khăn và họ muốn giành chiến thắng nhanh chóng ngay bây giờ”.

Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay, nhà đàm phán thương mại chính của Ủy ban châu Âu, Maroš Šefčovič, đã có ba cuộc gặp với các đối tác Mỹ là Howard Lutnick, Jamieson Greer và Kevin Hassett. Bất chấp những bức ảnh chụp chung tươi cười, các cuộc thảo luận dường như chỉ mang lại sự nhầm lẫn và thiếu rõ ràng về mục tiêu đàm phán từ phía Mỹ. Một quan chức EU có hiểu biết trực tiếp về các cuộc đàm phán đã bày tỏ sự thất vọng: "Thật vô lý". Một quan chức EU giấu tên khác nhận định: "Vẫn phải mất vài tuần nữa mới có thể đạt được thỏa thuận, vì Mỹ dường như đang thay đổi trọng tâm rất nhiều lần".

Với các cuộc đàm phán nghiêm túc vẫn chưa bắt đầu, EU đang phải thận trọng trước những thay đổi trong thái độ của đối tác thương mại lớn nhất của mình. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như ít có tác dụng. Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Bill Hagerty tuyên bố: “Tôi không quan tâm một số bên đối tác có thể nói gì về việc không biết chúng tôi muốn gì. Đại diện Thương mại Mỹ Greer đã nói rõ ràng về những gì chúng tôi muốn”.

Để tìm cách phá vỡ bế tắc, tuần trước Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một danh sách các nhượng bộ tiềm năng, bao gồm nới lỏng quy định và nỗ lực chung nhằm hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc. EC cũng áp dụng mức thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 95 tỷ euro của Mỹ nếu các cuộc đàm phán thất bại – con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của EC về mức thuế hiện tại và mức thuế mà chính quyền Trump đe dọa áp dụng là gần 550 tỷ euro. Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump, Peter Navarro, đã chỉ trích động thái của EU là thiếu xây dựng và mang tính khiêu khích.

Tuy nhiên, khi chính quyền Tổng thống Trump phải đối mặt với áp lực trong nước về việc phải thể hiện tiến triển trong các thỏa thuận thương mại, các quan chức Mỹ lại tỏ ra lạc quan trên mặt trận xuyên Đại Tây Dương. Một quan chức của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết: “Mỹ tiếp tục đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại có đi có lại với nhiều đối tác. Chúng tôi cũng đã có các cuộc tham vấn thường xuyên với EU và các chính phủ quốc gia thành viên EU về cách thức làm việc hướng tới một mối quan hệ thương mại công bằng và có đi có lại hơn”.

Khi chính quyền Trump ăn mừng "thỏa thuận" thương mại đầu tiên vào tuần trước – một thỏa thuận với Vương quốc Anh cho phép hàng tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào thị trường Anh để đổi lấy mức thuế quan thấp hơn đối với một số sản phẩm nhất định – thì một điều đã trở nên rõ ràng: Mỹ có ý định duy trì mức thuế quan cơ bản. Điều đó cho thấy các nước sẽ phải đàm phán về các mức thuế quan theo ngành khác mà Tổng thống Trump đã đưa ra, bao gồm mức thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm, và có thể còn nhiều mức thuế khác đối với các sản phẩm như dược phẩm, chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và gỗ.

Ngược lại, Ủy ban châu Âu lại thấy mức thuế cơ sở 10% của ông Trump linh hoạt hơn so với thuế theo ngành. Một quan chức cấp cao của EC cho biết vào tuần trước: “Chúng tôi cảm thấy rằng Mỹ có sự linh hoạt đối với mức thuế 10%. Tôi cho rằng [mức thuế 25% đối với ô tô hoặc thép] có vẻ như được thúc đẩy nhiều hơn một chút bởi mục tiêu đưa sản xuất trở lại và tái công nghiệp hóa".

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà chỉ sẵn sàng gặp Tổng thống Trump nếu có một gói thương mại "cụ thể" có thể đàm phán được. Trong khi sự "đóng băng" ngoại giao này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng nhỏ bé của EU trong quan điểm của chính quyền Trump, khối này dường như muốn sử dụng nó vì lợi ích của chính mình – theo cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược”. Một quan chức khác của Ủy ban châu Âu khẳng định: “Không có đối tác nào của Mỹ đi xa như EU trong việc trình bày lập trường của họ. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ không bắt đầu lại từ đầu cho đến khi Mỹ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-bo-roi-chau-au-trong-cuoc-chien-thue-quan-20250514202604789.htm