Cải tạo cát san hô, phát triển hệ sinh thái ở Trường Sa
Lần đầu tiên đề tài nghiên cứu xác định các loại vật liệu phụ gia phù hợp để cải tạo môi trường cát san hô thành đất nhằm mục đích phát triển hệ sinh thái thảm thực vật ở một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) được Trung tâm Quan trắc-Phân tích môi trường biển (Trung tâm QT-PT MTB), Bộ Tham mưu Hải quân thực hiện. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng đánh giá Xuất sắc.
Thượng tá Bùi Đặng Thanh, Giám đốc Trung tâm QT-PT MTB cho biết: Trên đất liền đã có nhiều nghiên cứu cải tạo đất, phát triển các giống cây trồng nhưng chưa có nghiên cứu tổng hợp nào về mối quan hệ đồng bộ từ đất-chế phẩm, phụ gia-cây trồng tại huyện đảo Trường Sa-nơi điều kiện sinh thái đặc thù, thổ nhưỡng đặc biệt. Trước thực tế đó, được cấp trên giao nhiệm vụ, Trung tâm QT-PT MTB-đơn vị chủ trì đã phối hợp Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện đề tài này.
Để thực hiện đề tài, năm 2020-2021, nhóm nghiên cứu của Trung tâm QT-PT MTB đã khảo sát môi trường huyện đảo Trường Sa, lấy trên 150 mẫu đất cát san hô vùng rễ thực vật của 9 đảo để nghiên cứu các nhóm vi sinh vật có ích đối với cây trồng hiện hữu tại Trường Sa. Nhóm cũng lấy trên 130 mẫu đất cát để phân loại và lập bản đồ đất.
Thượng tá, Tiến sĩ Vũ Thị Quỳnh Chi, nghiên cứu viên Trung tâm QT-PT MTB, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trước khi đề tài được triển khai, cả nước đã chung tay đưa đất, phân bón, cây trồng ra cải tạo, gieo trồng trên đất cát san hô lâu năm trên các đảo. Tuy nhiên, huyện đảo còn nhóm cát san hô nghèo dinh dưỡng và cát san hô thường bị ngập mặn thuộc loại rất khó cải tạo, phần lớn chưa được trồng cây hoặc đã trồng nhưng không hiệu quả. Đây chính là loại cát san hô được nhóm nghiên cứu cải tạo để trồng cây thực phẩm và cây phủ xanh.
Để đề tài hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã triển khai: Tăng cường tính chất cơ lý hóa giống đất; tăng cường khả năng giữ nước, tăng dinh dưỡng của đất bằng việc bổ sung chất hữu cơ cho đất cùng với bón phân vô cơ cân đối hợp lý, kết hợp nghiên cứu biện pháp phủ đất; cơ cấu loại cây trồng và chọn giống cây trồng thích hợp điều kiện khí hậu khắc nghiệt, áp dụng kỹ thuật tưới tiêu nước hợp lý…
Nhóm nghiên cứu đã phân lập, sàng lọc các loại vi sinh vật trong mẫu, từ đó, chế tạo được 810 lít chế phẩm sinh học dạng lỏng, 2.000kg chế phẩm sinh học dạng rắn. Cơ bản các sản phẩm của nhóm có số lượng, chất lượng đạt và vượt so với yêu cầu.
Các chế phẩm này được nhóm sử dụng kết hợp một số vật liệu, phụ gia khác để cải tạo cát san hô trồng cây thực phẩm và cây phủ xanh trong khu vực thử nghiệm tại Trung tâm QT-PT MTB. Năm 2022, nhóm nghiên cứu thực tế tại hai đảo Trường Sa và Sinh Tồn thử nghiệm cải tạo được 150m2 cát san hô (cải tạo sâu 1m) để trồng 12 loại cây phủ xanh và hơn 90m3 cát san hô để trồng 8 loại cây thực phẩm. Nhóm lựa chọn các loại cây có đặc tính chịu mặn, chịu hạn, sinh trưởng mạnh mẽ ở các vùng ven biển, vùng đất cát như: Cải xanh, cải ngọt, muống, đỗ đũa, hồng xiêm, na xiêm, xoài, mít, vối, chay... để trồng trên hai đảo.
Đến nay, nhiều cây thực phẩm trồng trên cát san hô được cải tạo đã được thu hoạch, cung cấp rau xanh hàng ngày cho 10-12 người. Các loại cây ăn quả như na xiêm, hồng xiêm… cũng đã ra quả. Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa chia sẻ: Bộ đội đảo đã trồng thêm một số cây theo nhu cầu như rau ngót, rau gia vị... trên khu vực cát san hô được cải tạo. Nhiều cây thích ứng và phát triển xanh, tốt hơn các khu vực khác. Chúng tôi rất vui khi đảo đa dạng các loại cây ăn quả, cây thực phẩm gần gũi hơn với đất liền.
Đề tài nghiên cứu của Trung tâm QT-PT MTB có tính mới và đặc thù cao, có ý nghĩa trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đề tài đã xây dựng được bản đồ đất của một số đảo trên huyện đảo Trường Sa, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho hệ thống Bản đồ đất Quốc gia Việt Nam theo quy định của FAO-UNESCO. Diện tích cây phủ xanh, rau xanh và đa dạng các loại cây trồng trên cát san hô ở hai đảo Trường Sa và Sinh Tồn được tăng lên; nâng cao chất lượng môi trường. Từ đó, có thể nhân rộng phủ xanh đất trống, góp phần bảo vệ các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.
Thượng tá Bùi Đặng Thanh nhấn mạnh: Việc cải tạo cát san hô mới giải quyết một phần vấn đề trong phủ xanh bền vững ở huyện đảo Trường Sa. Để đa dạng các loại cây thích nghi, phát triển bền vững trên huyện đảo cần có thêm giải pháp. Trong đó giải pháp sử dụng cơ sở dữ liệu toàn cầu (đã có) về các giống cây thích hợp môi trường biển, đảo đang là xu hướng của thế giới. Trung tâm QT-PT MTB muốn tiếp cận, sử dụng cơ sở dữ liệu này để nghiên cứu trồng, sinh trưởng bền vững các giống cây có giá trị tại một hoặc vài khu vực biển, đảo trên thế giới có sự tương đồng về điều kiện thổ nhưỡng, vi khí hậu, cổ địa chất, cổ môi trường… với huyện đảo Trường Sa để tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường nơi đây.
Bài, ảnh: THÙY LIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.