Kiến trúc sư Nguyễn Hiếu chia sẻ, đa số nhà mặt đất ở Hà Nội có không gian khiêm tốn vì còn dành diện tích cho cầu thang. Đôi khi những mảnh đất méo, hình dạng không vuông vức, việc thiết kế là bài toán lớn, cần tính toán tỉ mỉ, mất nhiều thời gian hơn nhà chung cư.
Vì vậy, khi nhận các công trình nhà mặt đất, anh và nhóm thường cố gắng tạo ra khoảng không thoải mái, thoáng đãng nhất cho gia chủ.
Như ngôi nhà phố thiết kế theo hơi hướng cổ điển, sử dụng gam màu trắng và xanh cốm này là điển hình. Tuy là phong cách cổ điển nhưng nhóm đã tạo ra sự phá cách, hạn chế các chi tiết rườm rà.
Phong cách cổ điển nhưng phá cách với đường nét hiện đại.
“Việc một không gian khiêm tốn về diện tích nếu sử dụng thuần túy các yếu tố cổ điển như phào chỉ, ốp pano kín các phần tường có thể một lúc nào đó khiến gia chủ có cảm giác bị bức bối chật hẹp hơn. Vì thế chúng tôi tiết chế và đan xen các thành tố này sao cho hợp lý”, anh Hiếu nói.
Mọi thứ sẽ cần có các mảng chính phụ để tôn vinh và nhường cho nhau, các phần còn lại buông để không gian được nhẹ, dễ chịu.
Cầu thang là một phần được quan tâm đối với nhà mặt đất. Vì nó cũng là một nét định hình rất lớn với ngôi nhà. Với style cổ điển này, nhóm chọn một phần cách điệu, nhưng lại đơn giản để tạo nên sự thanh thoát cho không gian..
Cửa được cải tạo thành hình vòm, vừa tạo cảm giác mềm mại, cũng là điểm nhấn cho ngôi nhà.
Phòng ngủ nào cũng có ánh sáng, gió tự nhiên. Thiết kế nội thất bắt mắt, ấn tượng và sang trọng.
Phòng ngủ cho các bé dùng cửa kính đẩy, thiết kế ô carô tăng tính thẩm mỹ cho nhà. Sàn gỗ tone màu xám nhạt, ấm áp và dễ vệ sinh.
Phòng có cửa sổ và cửa ra vào thông ra giếng trời, đảm bảo sự luân chuyển ánh sáng, gió trời cho các bé phát triển thể chất khỏe mạnh.
Không gian dễ chịu, tinh tế của ngôi nhà phố.
Nếu như phòng ngủ, phòng khách và không gian tầng 2 dùng sàn gỗ, không gian sảnh tiếp đón, để xe và tủ giày được ốp gạch bông họa tiết cổ điển, giúp phân biệt 2 khu vực rõ ràng, đẹp và bền hơn.
Quỳnh Nga