Cải thiện cuộc sống từ lớp xóa mù chữ
Những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã mang đến cơ hội thay đổi cuộc sống cho nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa biết chữ. Không chỉ giúp họ biết đọc, biết viết, những lớp học này còn mở ra cánh cửa tiếp cận tri thức, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nhờ con chữ, nhiều người đã tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nhiều người dân vẫn chưa biết chữ. Xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương mở nhiều lớp xóa mù chữ.

Lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 tại Trường PTDTBT Tiểu học Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa. Ảnh CTV
Hàng tuần, khi màn đêm dần buông xuống, ánh đèn lại bừng sáng ở lớp học xóa mù chữ giai đoạn 2 tại Trường PTDTBT Tiểu học Tủa Thàng số 1, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa. Khác với những lớp học thông thường, lớp học xóa mù chữ quy tụ 30 học viên đều là người dân tộc Mông sinh sống tại thôn Phi Giàng I, cách trung tâm xã Tủa Thàng hơn 10km. Người cao tuổi nhất hơn 50, người trẻ nhất 15 tuổi, hầu hết là trụ cột gia đình, ban ngày họ phải lao động sản xuất, buổi tối tranh thủ tới lớp học chữ. Dù đôi tay còn vụng về, nét chữ nguệch ngoạc, nhưng tất cả đều khao khát học tập mãnh liệt.
Chị Mùa Thị Chiêng, xã Tủa Thàng chia sẻ: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn, bố mẹ không có điều kiện cho đi học nên mình không biết chữ. Đến giờ các con đã đi học hết rồi, về nhà các con hỏi chữ, hỏi số mình đều không biết. Năm 2024, được cán bộ và thầy cô giáo tổ chức lớp xóa mù chữ tại xã và vận động người dân đi học, mình đã đăng ký tham gia lớp học. Bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, biết làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản".

Học viên tham gia học xóa mù chữ tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Ảnh CTV.
Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã phối hợp mở 143 lớp xóa mù chữ với 3.330 học viên. Học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Nhờ đó, nâng tỷ lệ người biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới. Nếu như năm 2021, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 96,58% thì đến nay là 97,06%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 năm 2021 là 86,63% thì nay đạt 90,11%. Đến nay, 129/129 xã và 10/10 huyện duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Theo kế hoạch đến hết năm 2025, toàn tỉnh mở 175 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, với 4.015 học viên tham gia. Riêng năm 2025 là 29 lớp với 671 học viên. Để đạt kế hoạch, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ người học, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ như: Hỗ trợ sách giáo khoa, học phẩm, kinh phí... Qua đánh giá cho thấy, sau khi kết thúc lớp xóa mù chữ học viên biết đọc, viết, tính toán và tiếp cận kiến thức cần thiết để vận dụng vào cuộc sống, lao động sản xuất.

Đoàn kiểm tra phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tỉnh kiểm tra trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.
Từ kiến thức được học tập, bà con đã biết tính toán, làm ăn, biết lập kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều người tự tin tham gia các tổ chức đoàn thể và có khả năng hướng dẫn người khác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Năm 2023, chị Lò Thị Thơm, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) tham gia lớp học xóa mù chữ. Sau khi kết thúc lớp học chị không chỉ biết đọc, biết viết mà còn biết phát triển kinh tế. Chị Thơm chia sẻ: "Nhờ biết đọc, biết viết, tôi biết tính toán trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Biết áp dụng khoa học kĩ thuật vào nuôi gà theo phương pháp mới và trồng lúa giống mới. Kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt và ngày một phát triển".
Đặc biệt, trường hợp chị Thào Thị Pày, sinh năm 1985, dân tộc Mông ở thôn Tỉnh B, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo sau khi hoàn thành lớp xóa mù chữ. Lấy chồng sớm, với 2 bàn tay trắng, đất đai có nhưng không có vốn, không biết chữ, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nhà đông người, nên cuộc sống của gia đình chị quanh năm đói nghèo, vất vả. Năm 2018, được sự vận động của chính quyền địa phương, thầy cô giáo, chị Pày tham gia lớp học xóa mù chữ. Nhờ quyết tâm, chịu khó học hành, sau khóa học, chị biết đọc, viết thạo. Năm 2019, được huyện hỗ trợ cây giống, kinh phí và kỹ thuật, chị mạnh dạn chuyển 1ha nương sang trồng keo, sa mộc, thông, bạch đàn. Đồng thời, mở rộng chăn nuôi với 22 con lợn, 2 con trâu, 4 bò, 15 dê, 300 con gà đen kết hợp trồng 1ha ngô, 0,5ha lúa, 600m² nuôi cá, 1.500m² rau màu. Nhờ mô hình đa dạng, gia đình chị Pày thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng/năm.
Các lớp học xóa mù chữ không chỉ mang lại kiến thức mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều học viên đã tự tạo việc làm sau khi xóa mù chữ, nâng cao nhận thức về xã hội, góp phần xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới. Sự thay đổi tích cực này vừa nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa vừa giúp bà con có thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.

Biết chữ giúp chị Lò Thị Bích, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) áp dụng kiến thức vào chăn nuôi bò, phát triển kinh tế.