Cải thiện hệ số an toàn vốn, nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động, nhiều ngân hàng đã tiếp tục phát hành trái phiếu ra thị trường

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng thương mại. Với tăng trưởng tín dụng cao của tháng 6 và nhu cầu vốn cho mùa kinh doanh cuối năm ngày một nhiều thì trái phiếu là một kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả. Chính vì thế, trong tháng 7 này, nhiều ngân hàng đã công bố phát hành trái phiếu thu hút vốn.

Đơn cử như VietinBank, Hội đồng quản trị ngân hàng này vừa thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn và trả nợ vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2024. Theo phương án phát hành, VietinBank dự kiến chào bán 80 triệu cổ phiếu trái phiếu trong 2 đợt với giá chào bán bằng mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.

Cải thiện hệ số an toàn vốn, nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu. (Ảnh minh họa)

Cải thiện hệ số an toàn vốn, nhiều ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu. (Ảnh minh họa)

Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của VietinBank theo quy định pháp luật hiện hành.

Mỗi đợt sẽ chào bán 30 triệu trái phiếu kỳ hạn 8 và 10 triệu trái phiếu kỳ hạn 10 năm, tổng giá trị tương ứng 8.000 tỷ đồng trái phiếu.

Thời gian phát hành trái phiếu đợt 1 dự kiến trong quý 3-4/2024 và đợt 2 dự kiến trong quý 4/2024-quý 1/2025.

Theo đại diện ngân hàng, toàn bộ số tiền 8.000 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng 2024 sẽ được sử dụng với mục đích tăng quy vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế đối với lĩnh vực sản xuất và phân phối khí đốt (4.000 tỷ đồng), công nghiệp chế biến chế tạo (2.000 tỷ đồng) và các ngành khác (2,.000 tỷ đồng). Tiến độ sử dụng vốn dự kiến vào quý 3/2024-quý 2/2025.

Một nhà băng khác là HDBank cũng vừa có thông báo chào bán trái phiếu đợt 2 ra công chúng với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng.

Theo kế hoạch, HDBank dự kiến chào bán 3 đợt trái phiếu ra công chúng với tổng cộng 50 triệu trái phiếu. Trong đó, đợt 1, ngân hàng đã chào bán ra công chúng 30 triệu trái phiếu, đợt 2 và đợt 3 mỗi đợt 10 triệu trái phiếu.

Mục đích huy động trái phiếu là nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn, phục vụ nhu cầu cho vay khách hàng của ngân hàng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm ghi nhận sự lên ngôi của nhóm ngân hàng. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024, có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với khối lượng hơn 110.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng phát hành của tổ chức tín dụng nửa đầu năm đạt 69.600 tỷ đồng, chiếm tới 63,2%.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), chỉ tính riêng tuần đầu tháng 6/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 20.4 nghìn tỷ đồng, nhóm ngành ngân hàng chiếm đa số, trong đó Ngân hàng Á Châu (10 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 4.5%), Ngân hàng Shinhan Việt Nam (4 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, lãi suất 5.1%) và MSB (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5.3%).

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-thien-he-so-an-toan-von-nhieu-ngan-hang-day-manh-phat-hanh-trai-phieu-331996.html