Hà Nội nâng cao giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm OCOP

Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, các làng nghề của Thủ đô Hà Nội đang ngày càng thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển 'Chương trình mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đang là hướng đi đúng của các làng nghề hiện nay trong xây dựng nông thôn mới…

Làm gốm nghệ thuật tại làng gốm Bát Tràng.

Làm gốm nghệ thuật tại làng gốm Bát Tràng.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.

Đây chính cũng là một bước đột phá quan trọng trong tiếp cận phát triển kinh tế nông thôn với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, tính đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), khi được công nhận có hơn 2.710 sản phẩm, chiếm khoảng 25% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội đã có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.

Tính đến nay, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được Thành phố công nhận. Nếu tính về nghề, riêng Hà Nội có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng mỗi năm.

Các làng nghề đã và đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Nghề làm hương truyền thống ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Nghề làm hương truyền thống ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Những cái tên như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); tò he Xuân La (Phú Xuyên); làng cốm Mễ Trì (Nam Từ Liêm); quạt Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá (Thạch Thất); rối nước Đào Thục (Đông Anh); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ); nón Chuông (Thanh Oai); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, gỗ Vạn Điểm (Thường Tín); hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm); lụa Vạn Phúc (Hà Đông)… đã không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn trở thành “sứ giả” của một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc được du khách nước ngoài ưa chuộng, ngợi ca.

Làng nghề làm nón Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có hơn 4.000 hộ dân tham gia sản xuất. Đây cũng là một trong những địa phương cung cấp nhiều nón lá nhất trong nước và xuất khẩu. Địa phương đã xây dựng thương hiệu nón lá làng Chuông, nhãn hiệu tập thể được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ. Sản phẩm được liên kết với các đơn vị kinh doanh, phân phối, xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài tiêu thụ mạnh trong nước, nón làng Chuông còn xuất khẩu tới nhiều thị trường nước ngoài và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm nón làng Chuông đã được xếp hạng OCOP 4 sao từ năm 2021.

Trong chuỗi các sản phẩm OCOP của Thủ đô, có sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) sản xuất. Sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dâu tằm tơ Mỹ Đức do bà làm chủ doanh nghiệp đã trở thành sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Tại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hiện đã có 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao trong tổng số 6 sản phẩm OCOP 5 sao của Hà Nội được Trung ương công nhận Đến nay, sản phẩm của công ty này đã xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế như : Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp...

Mỗi làng nghề, mỗi sản phẩm OCOP của các địa phương đều mang một bản sắc riêng, rất độc đáo, tinh xảo, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông thôn và đời sống của người dân.

Cùng với những kết quả tốt đạt được, để các sản phẩm OCOP phát triển ổn định, bền vững, các nhà sản xuất, các làng nghề một mặt phải tìm hiểu thị trường, đánh giá thị hiếu người tiêu dùng theo xu thế tăng cao và khâu nguyên liệu đầu vào ổn định, có chất lượng cao và hợp pháp. Đây là những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường, các nhà quản lý trong thời đại công nghệ số, nhất là với các nhà nhập khẩu tại các nước phát triển và đó cũng chính là những khó khăn của các nhà sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay.

Nghề làm nón lá làng Chuông, huyện Thanh Oai.

Nghề làm nón lá làng Chuông, huyện Thanh Oai.

Bà Đặng Thị Én, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm cho biết, xã Vạn Điểm hiện có hơn 2.000 hộ gia đình, trong đó có khoảng 70% hộ tham gia vào nghề gỗ. Ngành công nghiệp gỗ chiếm vai trò quan trọng trong xã với đóng góp lên đến hơn 70% tổng thu. Tương tự như các làng nghề khác, các hộ gia đình trong xã Vạn Điểm tham gia vào nghề gỗ với các vai trò khác nhau, từ việc buôn bán, xẻ gỗ, gia công sản xuất đến chế biến. Mỗi nhóm hộ gia đình đảm nhận một phần công việc trong chuỗi sản xuất từ gỗ nguyên liệu đến sản phẩm hoàn thiện, tạo nên một hệ thống sản xuất hữu ích và phát triển cho làng nghề này.

Gần đây, để giải quyết khó khăn về đầu vào nguyên liệu, làng nghề đã hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Trong mối liên kết này, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào để các hộ thay thế nguồn gỗ rủi ro, tư vấn công nghệ và cách thức quản lý, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Cũng như Vạn Điểm, làng mộc Liên Hà (huyện Đan Phượng) đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Ông Trần Mạnh Cung chủ một hộ sản xuất đồ nội thất cho biết, nếu như trước đây các hộ sản xuất đồ mộc và gỗ thủ công mỹ nghệ sử dụng nguồn nguyên liệu 100% từ gỗ rừng tự nhiên, thì nay, do xu hướng tiêu dùng thay đổi nên đã chuyển đổi kết hợp gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp. Các sản phẩm từ gỗ rừng tự nhiên thì chiếm đến 95% là nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước.

Nhờ sự liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, thời gian gần đây, đa số các hộ sản xuất trong làng nghề Liên Hà đã chuyển sang sử dụng gỗ nhập khẩu có nguồn gốc gỗ hợp pháp, nhằm bảo đảm thị trường đầu ra cho các sản phẩm gỗ của làng nghề và thích ứng với tình hình mới của thị trường để tồn tại và phát triển.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ, trong mỗi sản phẩm OCOP có tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa. Ngày nay người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm, Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các các sự kiện, lễ hội được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng.

Đằng sau mỗi một sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn, chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đó, cùng với việc tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các sản phẩm làng nghề phát triển là việc nâng cao chất lượng, tính thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của sản phẩm để tự nó vươn lên, mang tính cạnh tranh cao, chinh phục người tiêu dùng.

Để nâng cao giá trị văn hóa bản địa trong mỗi sản phẩm OCOP, Thủ đô Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến chính sách phát triển làng nghề; trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nguyên liệu sản xuất hợp pháp có chất lượng, có chính sách quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển làng nghề gắn với du lịch để mang lại giá trị kinh tế đa dụng, liên kết hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Giai đoạn 2021-2025, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tính đến đầu năm 2024, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm. Đến hết năm nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố hoàn thành đăng ký đánh giá, phân hạng thêm hơn 510 sản phẩm. Với kết quả này, Hà Nội sẽ vượt mục tiêu đề ra trước một năm về Chương trình OCOP.

Dũng Minh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-nang-cao-gia-tri-van-hoa-trong-moi-san-pham-ocop-post823549.html