Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI

Với sự ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô, có nhiều tiềm năng phát triển nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA)..., Việt Nam trở thành 'bến đỗ' hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, muốn thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn nữa, Việt Nam cần tiếp tục tích cực cải thiện môi trường đầu tư.

Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỉ USD

Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỉ USD

Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20-7-2023, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, có 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2022; tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 4,16 tỉ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2022. Có 1.627 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,14 tỉ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét theo lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút FDI với tổng vốn đạt hơn 10,93 tỉ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,61 tỉ USD, chiếm hơn 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 49,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Các ngành tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký lần lượt hơn 1,53 tỉ USD, gấp gần 63,9 lần và gần 737,6 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 7 tháng năm 2023, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỉ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, nếu trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI Hàn Quốc rót vào Việt Nam chỉ đạt 1,2 tỉ USD, thì 7 tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng lên gần 2,34 tỉ USD. Chỉ trong vòng 1 tháng, Hàn Quốc đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào Việt Nam. Như vậy, với tổng vốn đăng ký đạt gần 2,34 tỉ USD, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản, Trung Quốc để trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 trong 7 tháng năm 2023.

Sau Hàn Quốc, Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,33 tỉ USD, chiếm gần 14,4% tổng vốn đầu tư, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trong 7 tháng năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỉ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỉ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương...

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (24,7%) và góp vốn mua cổ phần (69%).

Về giải ngân vốn đầu tư, tính tới ngày 20-7-2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,58 tỉ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Về xuất nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực FDI ước đạt gần 143,83 tỉ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 142,67 tỉ USD, giảm 10,4%, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu giảm trong 7 tháng năm 2023, khu vực FDI vẫn xuất siêu hơn 26,7 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 25,6 tỉ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 13,7 tỉ USD.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỉ USD

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỉ USD

Với rất nhiều kỳ vọng về thu hút FDI trong năm 2023, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục đầu tư sau cấp phép; có chính sách thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo...

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê đề xuất: Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng tốt trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng chậm lại. Theo đó, Chính phủ có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút FDI trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Cùng với đó, các địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế, tạo thuận lợi cho thu hút FDI; chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Tính từ đầu năm đến ngày 20-7-2023, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 11,58 tỉ USD.

Nguyễn Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cai-thien-moi-truong-dau-tu-de-thu-hut-fdi-691468.html