Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng
HNN - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nêu rõ, thúc đẩy tăng trưởng đạt 8% trở lên là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Với sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tăng trưởng kinh tế, việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là giải pháp then chốt nhằm khơi thông nguồn lực tăng trưởng.

Hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp bán hàng trên nền tảng số
Tăng trưởng từ 8% trở lên
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, từ đó chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, rà soát tổng thể điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện hành nghề; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư…
Các giải pháp này đều được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai ngay từ đầu năm.
Theo đó, Thành ủy Huế đã triển khai “Chương trình hành động thực hiện Kết luận 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên”. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 93.000 tỷ đồng. Cùng với đó, các giải pháp để tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ thúc đẩy các dự án đầu tư, các động lực tăng trưởng mới cũng đã được đề ra.
Xây dựng môi trường đầu tư thân thiện
Các giải pháp mà Chính phủ, thành phố vừa triển khai phần nào cho thấy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng này, ngoài thúc đẩy phát triển khu vực công, thì khu vực tư nhân cũng phải được chú trọng. Bởi theo số liệu từ Bộ Tài chính, khu vực DN đang đóng góp khoảng 60% GDP, giải quyết việc làm cho 85% tổng số lao động, chiếm 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Lực lượng này cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng thu ngân sách, tạo nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như là nguồn lực quan trọng trong đầu tư phát triển. Vì thế, việc tháo gỡ các khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện, khơi thông các nguồn lực đầu tư không chỉ thúc đẩy DN phát triển, mà còn tạo đà trong tăng trưởng chung.
Theo TS. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Quản trị DN, việc tạo hành lang pháp lý để DN hoạt động và cơ quan nhà nước tạo điều kiện, không gây cản trở quyền tự do kinh doanh của DN là yêu cầu quan trọng trong thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh. Việc “bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính” theo tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng được đánh giá sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố, Chủ nhiệm CLB FDI Huế, ông Trần Văn Mỹ cũng cho rằng, DN có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa thì việc tập trung tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi được xem là nền tảng quan trọng. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn lực và mở rộng hoạt động, sự minh bạch và nhất quán trong chính sách sẽ giúp DN yên tâm đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận tài chính và nguồn vốn là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của khu vực này. Nhà nước cũng cần khuyến khích sự phát triển của các quỹ đầu tư, chương trình hỗ trợ tín dụng ưu đãi và thúc đẩy hợp tác giữa DN với các tổ chức tài chính để đảm bảo nguồn vốn cho đổi mới và mở rộng sản xuất. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác giữa DN với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề giúp nâng cao trình độ lao động, đáp ứng nhu cầu nhân sự có tay nghề và khả năng thích nghi với xu hướng chuyển đổi số. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng cần được chú trọng. Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, hỗ trợ các startup bằng cách cung cấp không gian làm việc chung, cố vấn kinh doanh và kết nối với các nhà đầu tư cũng là giải pháp cần được quan tâm và triển khai thường xuyên hơn. Những yếu tố đó nếu được triển khai đồng bộ và hiệu quả sẽ thúc đẩy DN phát triển, đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố, cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.