Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch quận Tây Hồ (Hà Nội)

Sáng 13/7/2024, Sở Du lịch Hà Nội và UBND quận Tây Hồ (TP Hà Nội) tổ chức Chương trình khảo sát và Hội nghị Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với đơn vị lữ hành trên địa bàn Thủ đô trong năm 2024.

Tây Hồ là quận có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-SDL ngày 18/6/2024 về việc tổ chức chương trình khảo sát, kết nối các điểm đến du lịch của quận, huyện, thị xã với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024.

Theo ông Hiếu, Tây Hồ là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Khu vực xung quanh Hồ Tây với lịch sử lâu đời đã hình thành nên nhiều nghề thủ công truyền thống, với đậm đặc các công trình di tích lịch sử có giá trị, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây được Thành phố quan tâm đầu tư đã góp phần nâng cao giá trị của Hồ Tây, tạo cho Tây Hồ trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô.

 Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại Hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại Hội nghị.

Trên địa bàn quận Tây Hồ có 126 cơ sở lưu trú với 5.157 phòng, chiếm 3,4% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn TP (trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, có 2 khu căn hộ du lịch cao cấp 4-5 sao) và hiện đang triển khai 4 dự án khách sạn 5 sao, 1 dự án khách sạn 3 sao.

Quận Tây Hồ cũng nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng, độc đáo, tiêu biểu là các sản phẩm gắn với thương hiệu Sen Tây Hồ. Căn cứ Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 10/1/2024 của UBND TP. Hà Nội về ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây;

Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin: khu vực Hồ Tây sẽ có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đó là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxia, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống);

Hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn; phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ. Đây là cơ hội rất thuận lợi để quận Tây Hồ có thể phát triển da dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí bổ trợ cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống.

Nhiều di tích, danh thắng nằm trong tour du lịch của Hà Nội

Tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND Quận Tây Hồ (Hà Nội) Bùi Thị Lan Phương thông tin rằng, quận Tây Hồ nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô.

Quận Tây Hồ có Hồ Tây với diện tích khoảng 526 ha, nằm trọn trong địa giới quận, là một cảnh quan thiên nhiên đẹp của Hà Nội và cả nước; phía bắc và phía đông là sông Hồng chảy từ phía bắc xuống phía nam. Khu vực xung quanh Hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời với nhiều nghề thủ công truyền thống. Với các công trình di tích lịch sử có giá trị, tập trung xung quanh Hồ Tây, tạo cho Tây Hồ trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô.

 Phó chủ tịch UBND Quận Tây Hồ (Hà Nội) Bùi Thị Lan Phương.

Phó chủ tịch UBND Quận Tây Hồ (Hà Nội) Bùi Thị Lan Phương.

"Lịch sử văn hiến lâu đời đã để lại cho Tây Hồ một kho tàng tài nguyên văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc sắc bao gồm tài nguyên du lịch văn hóa vật thể và tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể. Nổi tiếng cả nước với các vùng trồng hoa: đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, Tứ Liên, Tây Hồ còn có hệ thống 71 di tích (18 chùa, 20 đình, 14 đền, 9 miếu, am, văn chỉ, 1 phủ, 5 nhà thờ họ, 2 di tích cách mạng và 2 di tích khác là nhà cụ An và trường PTTH Chu Văn An), với 42 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 18 di tích xếp hạng cấp TP) và 29 di tích trong danh mục kiểm kê, quản lý", Phó chủ tịch UBND Quận Tây Hồ nhấn mạnh.

Nhiều di tích, danh thắng của Tây Hồ đang nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên... Một số di tích có lễ hội truyền thống tiêu biểu thu hút đông đảo nhân dân như: Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, đình Yên Phụ, phủ Tây Hồ, đền Voi Phục,… các lễ hội thể hiện sự tôn kính đối với các bậc thánh nhân có nhiều công sức đóng góp cho dân tộc, thông qua những nét đặc sắc nổi bật đó, các lễ hội truyền thống ở khu vực này dễ dàng thu hút được sự chú ý, khám phá của du khách. Nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được giới thiệu đến người dân và du khách.

Nhờ đó, độ nhận diện về văn hóa Tây Hồ được gia tăng trong ấn tượng và trí nhớ của khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa đã đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của quận Tây Hồ.

Để khai thác các tiềm năng, lợi thế của các di tích, di sản, làng nghề của khu vực hồ Tây phục vụ phát triển du lịch, quận Tây Hồ đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Đề án thưởng thức trà sen Quảng An; Đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch” và “Làng nghề trồng quất cảnh Tứ Liên”; Đề án “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa”...

Bà Lan Phương cũng nói thêm, ở hiện tại với vị thế đắc địa cùng cảnh quan thơ mộng, trong nhiều năm qua, vùng Hồ Tây đã trở thành địa chỉ hấp dẫn khá nhiều nhà đầu tư đến đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trên địa bàn quận đang dần được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch, đem lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Nhiều khách sạn trên địa bàn có khả năng tiếp nhận và phục vụ du khách có khả năng chi trả cao.

“Quận Tây Hồ vừa mới khánh thành Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của quận và TP. Hà Nội. Đây hứa hẹn là điểm dừng chân cho du khách trước khi ra sân bay. Quận cũng đang định hướng phát triển các tour đêm, tour bán thực cảnh phục vụ du khách”, bà Lan Phương nói thêm.

Hiện, quận Tây Hồ đang làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề ướp trà sen Tây Hồ. Quận đã có đề án mở rộng vùng trồng sen lên 25 ha và trồng sen quanh năm đển du khách đến Tây Hồ từ tháng 1 đến tháng 12 đều có thể thưởng lãm vẻ đẹp, check-in với hoa sen, thưởng thức và mua sắm các sản phẩm từ cây hoa sen.

 Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Unesco TP. Hà Nội nhận định, quận Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch về di sản văn hóa. Thời gian gần đây, quận đã có sự quan tâm đặc biệt để xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch và bước đầu thành công.

“Sau cuộc khải sát và Hội nghị này, quận Tây Hồ cần có các cuộc khảo sát chuyên sâu dành riêng cho các công ty lữ hành để chính quyền và doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng các tour du lịch ban ngày và ban đêm với thời lượng khác nhau”, ông Trương Minh Tiến nêu gợi ý.

Xuyên suốt Hội nghị, các khách mời còn đề xuất nhiều giải pháp để quận Tây Hồ nâng cấp chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến đến doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu cho biết trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng với UBND quận Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trải nghiệm mang tính độc đáo, sáng tạo gắn với các giá trị di sản, di tích và làng nghề của quận Tây Hồ. Qua đó góp phần tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-thien-nang-cao-chat-luong-dich-vu-du-lich-quan-tay-ho-ha-noi-post303352.html