Cai thuốc lá để phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Đặc biệt, người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm thường có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Căn bệnh nguy hiểm
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do tiếp xúc với khói thuốc lá, do hút thuốc hoặc hít thuốc lá thụ động. Các nguyên nhân khác là do ô nhiễm không khí, khói bụi trong sinh hoạt và sản xuất.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, có khoảng 350 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chiếm khoảng 5% dân số thế giới. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân thứ 3 trong các tác nhân gây tử vong với khoảng 3,2 triệu người chết mỗi năm. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với số bệnh nhân mắc bệnh chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, diễn tiến nhanh và nặng dần. Một đợt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xuất hiện đột ngột một, hoặc nhiều triệu chứng như: Khó thở tăng, khạc đờm tăng, màu sắc đờm thay đổi, có thể có sốt, đau ngực, rối loạn ý thức. Khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, niêm mạc đường hô hấp bị viêm nhiễm mạn tính làm giảm chức năng thông khí ở phổi. Bệnh có xu hướng nặng dần theo thời gian. Do đường thở bị hẹp lại nên người bệnh thường cảm thấy khó thở dẫn đến suy hô hấp, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Các biến chứng của bệnh gây ra là tràn khí màn phổi, suy tim, gây tàn phế, giảm tuổi thọ. Điều lưu ý là cho đến nay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn nên người mắc bệnh phải sống chung suốt đời với bệnh. Người mắc bệnh có thể bị sụt cân, giảm trọng lượng cơ thể, mệt mỏi, giảm khả năng vận động, hay thức giấc vào ban đêm, mệt mỏi ban ngày. Nghiêm trọng hơn là ngưng thở khi ngủ thường xuyên xuất hiện, chính việc tạm dừng thở cùng với mức ôxy thấp, có thể làm cho bệnh nhân tử vong trong giấc ngủ. Do đó, bệnh nhân phải được thường xuyên xét nghiệm để phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ, nếu mắc phải dùng thiết bị thở máy CPAP khi ngủ để giảm những nguy cơ xảy ra cho người bệnh.
Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây bệnh
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được khám, điều trị kịp thời để giúp phòng ngừa các biến chứng nặng ở tim, đường hô hấp và các cơ quan khác trong cơ thể. Do thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và làm bệnh ngày càng trầm trọng hơn nên người bệnh cần từ bỏ, không tiếp xúc với khói thuốc lá để giúp cho bệnh không tiến triển nặng thêm. Các chuyên gia về hô hấp đều khẳng định, việc cai thuốc lá thành công là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hóa chất, khói bụi độc hại. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được khám, chẩn đoán và điều trị theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để giúp cải thiện triệu chứng, chức năng phổi và kiểm soát các triệu chứng bệnh về lâu dài.
Song song với đó, người bệnh cũng cần tiêm các vắc xin để phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: Cúm mùa, viêm phổi, Covid-19…; cần có chế độ ăn uống lành mạnh, nâng cao thể trạng, kiểm soát tốt cân nặng, tập thể dục đều đặn với những bài tập thở đúng cách tốt cho hệ hô hấp (như hít thở kiểu chúm môi, tập hít thở bụng và tập ho có kiểm soát). Trong quá trình điều trị, cần tuân thủ phác đồ và tái khám đúng hạn, giúp quản lý tốt tình trạng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi thấy có các dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.
NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)