Cạm bẫy mang danh điều trị ung thư bằng phương pháp chỉ có ở Nhật
Tại Nhật Bản, các phương pháp điều trị ung thư không chính thống chưa bị cấm mà do người bệnh và bác sĩ thỏa thuận. Do đó, nhiều bệnh nhân ung thư đã rơi vào bẫy, bị 'hút tiền' trong khi đó hiệu quả điều trị không rõ ràng.
LỜI TÒA SOẠN
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD đi nước ngoài khám chữa bệnh trong đó những loại bệnh phổ biến nhất là ung thư. Người bệnh hy vọng có thể được hưởng thụ môi trường y tế với trang thiết bị hiện đại, thuốc, dịch vụ tốt. Tuy nhiên, thực tế, một số người cạn kiệt kinh tế vì ra nước ngoài điều trị, bệnh không khỏi, phải quay về Việt Nam.
VietNamNet đăng tuyến bài Cạm bẫy chữa ung thư ở Nhật Bản để góp phần cung cấp thông tin, giúp người bệnh và thân nhân tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định có nên đi nước ngoài chữa bệnh.
Kỳ 1: Chi hai tỷ đồng mua niềm tin chữa ung thư không đau ở Nhật Bản
Chữa ung thư bằng chính tế bào ung thư?
Trong vai một người tìm hiểu về việc đi nước ngoài chữa bệnh, phóng viên liên hệ một công ty môi giới tại phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhân viên tư vấn tên Đ. quảng cáo hai phương pháp chữa ung thư “chỉ có ở Nhật Bản” là tế bào iNTK và liệu pháp vắc xin ung thư tự thân.
Thứ nhất, iNTK là phương pháp lọc máu, tách chiết tế bào tự thân và sinh thiết mô. iNTK là loại tế bào miễn dịch có chức năng tấn công các tế bào ung thư dùng cho người đang bị bệnh, chưa phẫu thuật. Chi phí phương pháp này khoảng 36.000 USD (tương đương 900 triệu đồng). Các bác sĩ loại bỏ tế bào ung thư bằng cách lấy máu của bệnh nhân và chiết xuất, nuôi cấy, tạo ra vắc xin có thể kích hoạt tế bào iNKT. Việc điều trị có thể phù hợp với tất cả giai đoạn ung thư, ngừa tái phát.
Thứ hai, liệu pháp vắc xin ung thư tự thân, chi phí khoảng 40.000 USD (khoảng 1 tỷ đồng). Bệnh nhân phẫu thuật tại Việt Nam và lấy một phần mô ung thư nhúng qua formalin hoặc pafafin gửi sang Nhật Bản chế tạo vắc xin, thời gian từ 7 đến 10 ngày. Khi có vắc xin, bệnh nhân sang Nhật Bản để tiêm vào chính tế bào ác tính, 3 liệu trình tiêm. Thời gian điều trị khoảng 6 tuần.
Nhân viên tư vấn này khẳng định các biện pháp đều được thực hiện tại bệnh viện ở Nhật Bản. Văn phòng môi giới nhận hồ sơ bệnh án từ bác sĩ ở Việt Nam và gửi sang trước để chuyên gia lên kế hoạch chọn phương pháp điều trị. Theo Đ., nhiều bệnh nhân từng điều trị tại Singapore, Trung Quốc đều phải quay lại Nhật Bản điều trị hai phương pháp này. Bệnh ung thư giai đoạn cuối không thể khỏi nhưng công ty cam đoan người bệnh sống chung khỏe mạnh với tế bào ác tính.
Các chi phí trên chưa bao gồm tiền ăn ở, vé máy bay, các loại xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết trong quá trình điều trị. Theo môi giới, chi phí này tăng lên tùy vào loại ung thư, giai đoạn bệnh.
Cạm bẫy mang danh khoa học
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), cho biết hiện tại quốc gia này có ba liệu pháp điều trị ung thư không chính thống, đang được thực hiện gồm điều trị miễn dịch, vắc xin ung thư và tế bào gốc.
Khác với Việt Nam, Nhật Bản cho phép bác sĩ tự do thực hiện các phương pháp điều trị không chính thống, chỉ cần có sự đồng thuận từ người bệnh. Bác sĩ không cần đúng chuyên môn ung thư. Bệnh nhân sẽ trả hết 100% chi phí. Nếu quá trình chữa trị có biến chứng, người bệnh sẽ không được bảo hiểm y tế nhà nước hỗ trợ.
Trong khi đó, phương pháp điều trị chính thống được nhà nước công nhận, bảo hiểm y tế đồng chi trả. Những phương pháp này mang lại hiệu quả cao, đã qua thử nghiệm lâm sàng trên số lượng lớn bệnh nhân.
"Trước thực trạng trên, Chính phủ và giới chuyên môn cảnh báo trên nhiều phương tiện truyền thông về những chiêu trò này. Nhiều chuyên gia y tế đã nhấn mạnh rằng không nên yêu cầu người bệnh chi trả nhiều cho liệu pháp điều trị không/chưa rõ hiệu quả. Các phương pháp trên trong khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng cần thực hiện miễn phí cho bệnh nhân”, bác sĩ Quý cho biết thêm.
Nhật Bản cũng ghi nhận nhiều vụ kiện bác sĩ do giải thích không chính xác về điều trị tự do để tăng kỳ vọng của bệnh nhân và kiếm lợi. Để bảo vệ người dân, Chính phủ đã yêu cầu các phòng khám công khai thông tin về điều trị trên website, ghi rõ trong văn bản giải thích và phải đưa cho người bệnh ký. Các văn bản bắt buộc phải ghi rõ: "Điều trị này chưa được chứng minh về hiệu quả”, “Điều trị này không được bảo hiểm chi trả”, hoàn toàn bằng tiếng Nhật.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân Việt Nam không phân biệt được các phương pháp chính thống hay chiêu trò quảng cáo. Người bệnh qua các công ty môi giới và được đưa sang các phòng khám, không được tới đúng kênh như các bệnh viện Đại học hay Trung tâm Ung thư nhà nước. Với các phương pháp điều trị như trên, bệnh nhân ung thư đều "tức tưởi" về nước trong tình trạng bệnh nặng hơn, tốn tiền tỷ.
Bác sĩ Quý thông tin thêm: "Tôi chưa thấy ai kiện ngược lại phòng khám hay đơn vị cung cấp dịch vụ vì không làm đúng giao kèo. Mặt khác, chúng ta khó kiểm chứng người phiên dịch có chuyển ngữ, giải thích đúng hay không. Các chuyên gia về y đức từng kêu gọi người bệnh thận trọng về quá trình điều trị diễn ra trong phòng khám với bác sĩ Nhật Bản và phiên dịch có thể bị điều phối".
Tại quốc gia này có hàng trăm phòng khám cung cấp điều trị ung thư “không chính thống” ở nhiều tỉnh thành. Vì vậy, bệnh nhân và người thân Việt Nam muốn sang Nhật Bản khám chữa bệnh cần tìm hiểu thật kỹ. Theo bác sĩ Quý, người dân nên hỏi trực tiếp môi giới về phương pháp điều trị có dùng cho người bệnh bản xứ, trong bệnh viện nhà nước hay không, tránh rơi vào cảnh "tiền mất, bệnh nặng".
Hiện nay, một số bệnh viện tại Việt Nam đã thực hiện các chương trình hội chẩn online với chuyên gia Nhật Bản. Người bệnh có thể đăng ký với đơn vị y tế trong nước. Qua đó, bệnh nhân được cung cấp cái nhìn toàn cảnh về lợi ích và bất lợi khi điều trị tại nước ngoài và đưa ra quyết định phù hợp.