'Cầm cương' lạm phát – Fed đối mặt với thách thức

Số liệu mới về lạm phát tại Mỹ đang không đi theo hướng mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mong muốn.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Điều này xảy ra khi Tổng thống đắc cử Donald Trump hứa hẹn áp dụng chính sách áp thuế mạnh mẽ, có thể khiến chi phí sinh hoạt tăng cao hơn.

Theo dữ liệu mới từ Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng Mười, Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,1% trong tháng Chín. Đà tăng chủ yếu đến từ lĩnh vực dịch vụ, khi giá dịch vụ tăng 0,4% so với tháng Chín, trong khi giá hàng hóa chỉ tăng 0,1%. Giá thực phẩm và xăng, hai yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng, vẫn giữ ổn định.

Bà Elizabeth Renter, chuyên gia kinh tế cấp cao tại công ty tài chính cá nhân NerdWallet, cho rằng bức tranh tổng thể cho thấy lạm phát vẫn là một mối lo và điều này vẫn chưa thay đổi. Tuy nhiên, bà cũng nhận định báo cáo lần này không phải là lời cảnh báo.

Các chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng lạm phát sẽ tăng trở lại trong tháng Mười, một phần do chi phí nhà ở vẫn ở mức cao và một số đợt tăng giá được cho là tạm thời (đặc biệt là giá vé máy bay và phí quản lý danh mục đầu tư), cùng với sự so sánh không thuận lợi với cùng kỳ năm ngoái khi lạm phát đã giảm mạnh.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

*Thác thức ổn định lạm phát

Quá trình kiềm chế lạm phát cao được dự báo sẽ gặp khó khăn, và chỉ số lạm phát mới nhất có thể chính là minh chứng cho điều đó. Bên cạnh đó, một số sức ép giá dai dẳng (đặc biệt là đối với các chi phí lớn như tiền thuê nhà) đang ngăn cản việc ổn định lạm phát ở mức mục tiêu 2% của Fed.

Ông Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Fitch Ratings, cho rằng xu hướng giảm lạm phát mà thị trường đã thấy vào đầu năm nay gần như đã đình trệ và con đường kiểm soát lạm phát trong năm 2025 đầy thách thức. Ông Sonola cho rằng Fed sẽ lo ngại và thận trọng, song dữ liệu hiện nay vẫn củng cố kịch bản Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Mười Hai, với tốc độ giảm lãi suất dự kiến sẽ rất chậm trong năm 2025.

Khi loại bỏ giá thực phẩm và xăng, hai yếu tố có xu hướng biến động mạnh, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,3% trong tháng Mười và tăng 2,8% trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng Mười. Ông Dan North, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Allianz Trade North America, cho biết chỉ số lõi gần như không thay đổi trong suốt sáu tháng qua. Ông cũng nhận định rằng mức 2,8% vẫn còn khá xa mục tiêu 2%. Hơn nữa, ông North cho rằng mức 2% không chỉ đơn giản là đạt được mà cần phải duy trì ở mức đó lâu dài.

Khi các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ họp vào tháng tới, Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần cắt giảm thứ ba liên tiếp của Fed. Tuy nhiên, ông North cũng nhận định rằng các biện pháp nới lỏng tiếp theo có thể sẽ ít hơn, do sức ép về giá vẫn dai dẳng và có thể còn chịu ảnh hưởng của chính sách tài khóa.

*Mối lo về hàng rào thuế quan

Có một mối lo ngại lớn rằng xu hướng lạm phát hiện tại có thể thay đổi mạnh mẽ trong những tháng tới. Ngày 25/11, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, và thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ khiến giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu dùng, và có thể đẩy chỉ số PCE tăng từ 0,5% đến 1,1%.

Các chuyên gia kinh tế từ Deutsche Bank Research cho rằng việc áp thuế đối với Canada và Mexico là một yếu tố tăng thêm rủi ro cho dự báo lạm phát của họ. Tuy nhiên, bà Renter lưu ý mức độ và phạm vi của rủi ro này vẫn còn chưa rõ ràng.

Bà cũng cảnh báo cần phải thận trọng khi coi những lời hứa trong chiến dịch tranh cử hay trên mạng xã hội là các chính sách chắc chắn. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng thuế quan chắc chắn sẽ gây ra lạm phát, điều này đã được chứng minh qua lịch sử.

*Nền tảng kinh tế vững mạnh

Chỉ số PCE là một phần trong báo cáo hàng tháng của Bộ Thương mại, cung cấp dữ liệu toàn diện về cách người Mỹ kiếm tiền, chi tiêu và tiết kiệm. Và trong tháng Mười, nền tảng tài chính của người tiêu dùng thực sự khá vững chắc: Thu nhập cá nhân tăng 0,6%, mức tăng tháng mạnh nhất kể từ tháng Ba; thu nhập khả dụng (thu nhập sau thuế) tăng 0,7% theo giá trị danh nghĩa và 0,4% khi tính đến lạm phát.

Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, người Mỹ dự tính sẽ chi tiêu trung bình 902 USD cho quà tặng, thực phẩm, trang trí và các mặt hàng khác. Ông North cho rằng đây là tín hiệu tốt cho mùa mua sắm cuối năm và ông kỳ vọng chi tiêu trong mùa lễ hội sẽ vượt qua dự báo tăng từ 2,5% đến 3,5% trong doanh thu mùa lễ này của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia.

Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm hơn hai phần ba sản lượng của nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng vững mạnh. Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 2,8% trong quý III/2024, không thay đổi so với ước tính ban đầu.

Tuy nhiên, bà Renter lưu ý dù bức tranh kinh tế vẫn khả quan và người tiêu dùng đang chi tiêu mạnh mẽ, nhưng vẫn có nhiều yếu tố ẩn sâu dưới những con số tổng thể này.

Trà My (Theo CNN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cam-cuong-lam-phat-fed-doi-mat-voi-thach-thuc/354904.html