VIMC tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh cảng biển, logistics tại Ấn Độ
Ấn Độ là thị trường rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực vận tải biển, hạ tầng cảng và logistic trong nhiều năm tới. Đây là thời điểm tốt để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân này trong tương lai nhằm tranh thủ các cơ hội mở ra tại đây.
Ấn Độ là thị trường rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực vận tải biển, hạ tầng cảng và logistic trong nhiều năm tới. Đây là thời điểm tốt để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân này trong tương lai nhằm tranh thủ các cơ hội mở ra tại đây. Đây là nội dung một cuộc hội thảo với chủ đề “Tầm nhìn và tiềm năng đầu tư vào hệ thống cảng, vận tải biển và logistic tại Ấn Độ: Trường hợp của VIMC” được tổ chức ngày 27/11 tại New Delhi, Ấn Độ.
Báo cáo của Cơ quan Xúc tiến và Thuận lợi hóa đầu tư Ấn Độ (Invest India) cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm tài chính 2023- 2024 ở mức 8,3% - cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới. Kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ còn duy trì xu hướng tích cực trong nhiều năm tới để hướng tới mục tiêu nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Trong lĩnh vực ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ đạt quy mô 776 tỷ USD trong năm 2023, tăng gấp đôi sau 10 năm và dự kiến vượt mốc 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Dư địa cho tăng trưởng và đầu tư của Ấn Độ còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, trong đó có hệ thống cảng, vận tải biển và logistic.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nói: “Trong thời gian tới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam muốn cùng các đối tác, bạn hàng, với sự hỗ trợ của Chính phủ để đẩy mạnh 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, phát triển chuỗi dịch vụ trọn gói, kết nối, luân chuyển, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thứ hai, trên cơ sở VIMC đã có tuyến vận tải nội Á tới Kolkata và một tuyến nội địa vào Kattupalli, chúng tôi mong muốn cùng các đối tác phát triển mạnh thêm thị trường và phát triển thêm các tuyến hàng hải, không chỉ kết nối các tuyến xuất nhập khẩu trực tiếp mà còn tham gia và các tuyến vận tải, chuyển tại ở khu vực Ấn Độ. Thứ ba, chúng tôi cũng tìm kiếm các cơ hội để có thể cùng các nhà sản xuất của Ấn Độ, các đối tác logistic, các đối tác cảng đầu tư một hệ thống cảng phù hợp tại đây. Trên nền tảng đó, chúng tôi phát triển các trung tâm logistic mà chúng tôi tạm gọi là Vietnam House. Đây là cơ sở để cung cấp chuỗi dịch vụ trọn gói nhanh hơn, hiệu quả hơn và quy mô hơn để thúc đẩy hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ.”
Việc VIMC tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác tại Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đang tăng trưởng không ngừng. Thương mại được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong 26 năm qua. Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á. Thị trường Ấn Độ chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này; trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Năm 2023- 2024, kim ngạch song phương hai nước đạt khoảng 14,8 tỷ USD, hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định.
Nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận tải biển, cảng và logistic giữa Việt Nam và Ấn Độ vì thế cũng đang gia tăng nhanh chóng, đón đầu xu hướng phát triển mới. Từ tháng 11/2021, VIMC đã mở tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Hải Phòng-Malaysia- Ấn Độ để giảm tải áp lực vận chuyển hàng hóa và bình ổn nguồn cung vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Tiếp đó, từ tháng 5/2022, VIMC tiếp tục đưa vào vận hành tuyến container đưa hàng từ cảng Cửa Lò-Nghệ An tới cảng Kolkata, phía Đông Ấn Độ. Đây là tuyến đường biển kết nối trực tiếp Việt Nam-Ấn Độ, do đó giúp rút ngắn thời gian vận chuyển so với các tuyến đường khác phải dừng ở các điểm trung chuyển. Việc VIMC tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào hệ thống cảng, vận tải biển và xếp dỡ, giao nhận hàng hóa tại Ấn Độ được coi là bước đi tất yếu nhằm mục tiêu mở rộng hơn nữa hoạt động tại thị trường nhiều tiềm năng này.