Cảm động câu chuyện con gái liệt sỹ từ Hà Tĩnh vào Bình Thuận tìm quê cha
'Đi đánh Mỹ để đời con ta sung sướng. Anh đi rồi anh sẽ về' - đó là lời hứa của liệt sỹ Huỳnh Công Diệp với vợ - bà Nguyễn Thị Thiệm và con gái Huỳnh Thị Hà (xã Thạch Liên - Thạch Hà - Hà Tĩnh) trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam. Nhưng lời hứa đã không thành sự thật...
Hạnh phúc ngắn ngủi
Năm 1964, bà Nguyễn Thị Thiệm lúc đó vừa tròn đôi mươi, còn ông Huỳnh Công Diệp (SN 1935) là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Gặp nhau trong thời gian đơn vị ông đóng quân tại quê bà và hai người nên duyên chồng vợ.
Hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang”, bà Thiệm hàng chục năm trời mòn mỏi chờ chồng, nuôi con.
Là sỹ quan hải quân, chuyên làm nhiệm vụ quản lý tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, quân nhu từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam nên sau đám cưới vài ba ngày, ông Diệp mải miết theo những chuyến tàu vào Nam ra Bắc. Những lần đơn vị dừng chân tại Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Sót… là dịp hiếm hoi ông được về nhà thăm vợ con đôi ngày rồi lại vội vã lên đường làm nhiệm vụ.
Tháng 4/1966, đứa con gái đầu lòng của ông bà là Huỳnh Thị Hà chào đời. Đầu năm 1967, ông Diệp được lệnh vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu. “Ngày ông ấy đi, con Hà mới chập chững những bước đi đầu tiên. Ông ấy chỉ dặn mẹ con tôi rằng: “Đi đánh Mỹ để đời con ta sung sướng. Anh đi rồi anh sẽ về”.
Ngày bố ra đi, chị Hà (áo đen) mới chập chững những bước đi đầu tiên.
Thế rồi, ông Diệp đi mãi và không thể giữ được lời hứa với vợ con. Bà Thiệm một mình mòn mỏi nuôi con và chờ chồng. Đất nước hòa bình, vẫn không một dòng tin của ông. Hơn hai năm làm vợ chồng, thời gian ông bà sống bên nhau chỉ tính được bằng ngày và vì yêu cầu bí mật trong hoạt động cách mạng nên những thông tin của ông, bà cũng không biết được bao nhiêu.
Bà chia sẻ: “Tôi chỉ biết ông ấy quê ở thị xã Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), bố là Huỳnh Công Thắng, sau ông ấy còn có một người em trai. Ông ấy từng dặn dò khi con lớn hãy để con tìm về quê nội".
Hành trình tìm về nguồn cội
Chị Huỳnh Thị Hà lớn lên không biết mặt bố, những bức hình hiếm hoi về ông cũng đã mất do bom đạn, bão lũ. Mong muốn được về quê nội, gặp mặt bà con và tìm tin tức của bố luôn thôi thúc chị.
Dù thông tin ít ỏi, chị Hà vẫn kiên trì với hành trình tìm về nguồn cội.
Theo thông tin của mẹ kể lại, chị Hà tìm vào thị xã Phan Thiết nhờ sự giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền địa phương. Mọi người đều nhiệt tình hỗ trợ nhưng trong các hồ sơ lưu trữ ở địa phương không hề có một dòng thông tin nào của ông Huỳnh Công Diệp.
Với truyền thống hoạt động cách mạng, gia đình bên nội chị Hà đã phải thay tên đổi họ của các thành viên - điều khiến cho hành trình tìm kiếm của chị thêm khó khăn.
"Sau bao nỗ lực tìm kiếm, có cả hy vọng lẫn thất vọng, rồi niềm hạnh phúc cũng đến. Một ngày khoảng giữa năm 2013, tôi nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ khẳng định là người mà tôi đang tìm kiếm. Mặc dù chưa dám chắc là sự thật, nhưng khấp khởi trong lòng, tôi đã khẩn trương sắp xếp lên đường ngay. Sau cuộc hội ngộ tại thị xã Phan Thiết, đối chiếu các thông tin, tôi đã xác nhận người phụ nữ đó là em họ - con gái của chú tôi. Chúng tôi ôm nhau mừng mừng, tủi tủi”- chị Hà chia sẻ.
Tìm được họ hàng bên nội, chị Hà mới được biết ông bà, em trai của bố đã mất từ lâu, giờ chỉ còn lại gia đình các em họ. Điều đáng tự hào là nhiều thành viên trong gia đình từng tham gia, cống hiến cho cách mạng. Cũng đến lúc đó, sau gần 50 năm đợi chờ, chị Hà chính thức có thông tin bố mình đã hy sinh; giấy báo tử được gửi về cho gia đình ở Bình Thuận ghi ngày mất 20/2/1968 ở mặt trận phía Nam.
Sau gần 50 năm ròng rã, chị Hà (thứ hai từ trái sang) đã tìm được quê hương và những người thân. (Ảnh tư liêu do NVCC).
Hành trình tìm về gốc gác, quê hương có kết quả cũng là lúc chị Hà và gia đình mở đầu một hành trình mới gian nan và thử thách không kém – tìm kiếm phần mộ của liệt sỹ Huỳnh Công Diệp. Được sự động viên của gia đình, chị Hà và con trai đã lặn lội khắp các nghĩa trang lớn nhỏ, đi từ Bắc ra Nam, gặp gỡ biết bao người nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Tìm được gốc gác của bản thân sau gần 50 năm là niềm hạnh phúc lớn lao nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn, bởi chưa tìm được phần mộ của bố. Năm nay, mẹ tôi đã gần 80 tuổi, vẫn đau đáu hy vọng tìm được phần mộ của chồng. Dù khó khăn đến đâu, tôi cũng sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm để sớm đưa bố về với gia đình, với mẹ” - chị Hà xúc động nói.