Cam kết cùng hành động

Với châu Phi, 2019 là năm có nhiều chuyển biến tích cực, cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, châu lục trải qua những ngày cuối năm không hề yên ả, khi vụ tiến công thảm khốc tại thủ đô Mô-ga-đi-su của Xô-ma-li-a khiến ít nhất 79 người chết, hàng trăm người bị thương.

Tính chất nghiêm trọng vụ khủng bố càng cho thấy sự cấp thiết của nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, thúc giục các nước cam kết cùng hành động vì một “lục địa đen im tiếng súng”.

Năm 2019, trong bối cảnh số lượng các nhóm phiến quân và tay súng thánh chiến tại châu Phi có dấu hiệu gia tăng, tần suất và quy mô các vụ bạo lực chưa giảm, việc hai sự kiện lớn, gồm Diễn đàn A-xvan về hòa bình và phát triển bền vững cùng Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban kỹ thuật đặc biệt về quốc phòng, an toàn và an ninh của Liên minh châu Phi (AU), được tổ chức trong cùng tháng 12 này đã khẳng định quyết tâm chống khủng bố và ổn định tình hình tại châu Phi. Cam kết cùng hành động, vì mục tiêu “im tiếng súng” trong năm 2020 tại châu lục, giới chức châu Phi tuyên bố sẵn sàng đương đầu khủng bố, bạo lực, tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên biên giới, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến phát triển đất nước.

Một trong những cơ sở để giới chức châu Phi cùng cam kết hành động vì “vùng trời bình yên” cho hơn 50 quốc gia trong khu vực đó là những thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực khôi phục hòa bình ở nhiều nơi. Thỏa thuận mà đại diện Chính phủ Xu-đăng và chín nhóm nổi dậy về lộ trình hướng tới chấm dứt xung đột ở khu vực Đa-phơ ký vào những ngày cuối năm là “món quà quý” trước thềm năm mới dành cho người dân Xu-đăng sau một năm trải qua nhiều bất ổn. Theo thỏa thuận, các bên cam kết giải quyết các vấn đề ở khu vực Đa-phơ và bảo đảm an ninh và ổn định trên cả nước.

Năm 2019, các cuộc bầu cử đã diễn ra tại hơn 20 quốc gia châu Phi, trong đó, một số cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ cử tri tham gia thấp, cho thấy những đòi hỏi lớn hơn từ người dân đối với việc tăng cường hiệu quả quản trị và điều hành đất nước. Đây cũng là “cơ hội” để các nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm vì sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trước khi năm mới 2020 “gõ cửa” An-giê-ri, Tổng thống đắc cử A.Tép-bun đã “kịp” ra mắt bộ máy điều hành mới, cam kết cùng phong trào biểu tình tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần một năm qua, với mục tiêu xây dựng một “An-giê-ri mới”. Ghi-nê Bít-xao cũng hoàn thành vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Hơn ai hết, người dân nước này đang rất trông chờ những biện pháp thiết thực, nhằm đưa đất nước vượt qua thế bế tắc chính trị, để bắt tay triển khai kế hoạch hiện đại hóa đất nước, như các ứng cử viên tổng thống đã cam kết.

Châu Phi năm 2019 nổi lên là một châu lục biến những tiềm năng dần thành hiện thực. Kinh tế lục địa tiếp đà tăng trưởng, với GDP năm 2019 ước đạt 4%, tăng so mức 3,5% của năm 2018 và 2,1% năm 2016. Một nửa số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện thuộc về “lục địa đen”. Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực từ năm 2019 được kỳ vọng làm “thay da, đổi thịt” nền kinh tế châu lục, mở rộng cánh cửa giao thương trong thị trường 1,2 tỷ dân. AfCFTA đưa châu Phi trở thành một “cực” trong hệ thống thương mại toàn cầu. Khi xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, AfCFTA có thể giúp nâng tầm vị thế, tiếng nói của châu Phi trong thương lượng về các thỏa thuận thương mại với các đối tác kinh tế lớn, như Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) hay Trung Quốc…

Năm 2019, hàng loạt sự kiện cấp cao về hợp tác với châu Phi đã được tổ chức bên ngoài châu lục, như Diễn đàn Hòa bình và An ninh Trung Quốc - châu Phi, Hội nghị quốc tế Tô-ki-ô về phát triển châu Phi… Đặc biệt, Nga lần đầu tổ chức hội nghị cấp cao với các quốc gia châu Phi, sự kiện được xem là đánh dấu sự trở lại của “xứ sở bạch dương”, khi hai bên thảo luận sâu rộng, từ các vấn đề chính trị đến những dự án kinh tế, quân sự trị giá hàng tỷ USD.

Cùng vị trí địa chiến lược quan trọng, tình hình an ninh, chính trị dần ổn định và tiềm năng kinh tế, thương mại được khai phá là những yếu tố hấp dẫn giúp châu Phi ngày càng giành được nhiều sự quan tâm từ các cường quốc trên thế giới.

THỂ TRẦN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42761602-cam-ket-cung-hanh-dong.html