Cam Lâm: Tập trung nâng cao giá trị nông sản
Những năm qua, hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tập trung, chuyên canh đã được nông dân huyện Cam Lâm xây dựng khá rõ nét. Nâng cao hơn nữa giá trị nông sản, đa dạng hóa nguồn thu từ nông nghiệp là mục tiêu Hội Nông dân (HND) huyện tập trung triển khai tới hội viên, nông dân trong thời gian tới.
Trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyên canh
Từ lâu, Cam Lâm được biết đến là thủ phủ chăn nuôi của tỉnh với hàng trăm trang trại, quy mô bình quân mỗi trang trại 1.000 con heo và 10.000 con gà. Ngoài ra, đây còn là vùng trồng xoài chuyên canh cao với hơn 5.000ha xoài tập trung. Những năm gần đây, một số cây trồng mới như: Táo Cam Thành Nam, khoai sáp Cam Hòa… cũng được nông dân trồng theo hướng tập trung, chuyên canh.
Theo ông Phạm Hồng Thịnh - Chủ tịch HND huyện Cam Lâm, thời gian qua, các cấp HND trên địa bàn đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình kinh tế gắn với việc hình thành vùng chuyên canh cây chủ lực (xoài các loại), các trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị. Địa phương ngày càng xuất hiện nhiều nông dân có tư duy sản xuất hàng hóa lớn, biết hợp tác, liên kết nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển sản xuất hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình kinh doanh vườn xoài kết hợp kinh doanh khách sạn của hội viên Nguyễn Sơn (xã Cam Hải Tây) với tổng thu nhập đạt 1,5 tỷ đồng/năm; kinh doanh xoài trái kết hợp kinh doanh khách sạn, dịch vụ vận tải của hội viên Bùi Sơn Hồng (xã Cam Hải Tây) với tổng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 người; mô hình chuyên canh cây xoài, bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao của hội viên Trần Xuân Hoàng (xã Cam Tân) có tổng thu nhập 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi vịt của hội viên Võ Văn Được (xã Cam Hải Đông) có tổng thu nhập 400 triệu đồng/năm...
Để nâng tầm quy mô sản xuất, HND huyện đã tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế nông nghiệp tập thể. Đến nay, toàn huyện có 17 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã, 11 chi hội, 62 tổ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ. Các tổ liên kết này hoạt động đạt hiệu quả, ngày càng mở rộng về quy mô, bình quân mỗi hộ trong tổ thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng/năm. Kinh tế tập thể còn giúp nông dân tiếp cận với cách thức làm ăn mới, phát triển quy mô sản xuất, góp phần tập hợp, đoàn kết nông dân giúp nhau giảm nghèo, làm giàu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và nông sản an toàn.
Ngoài ra, HND huyện không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. 5 năm qua, hội đã phối hợp tổ chức hơn 20 điểm trình diễn các mô hình giống lúa mới, nuôi heo trên đệm lót sinh học, nuôi vịt nước mặn, nuôi lươn không bùn…; phối hợp giới thiệu các loại nông sản lên sàn giao dịch điện tử Postmart; tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn điện tử; tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn lượt nông dân…
Nâng cao giá trị nông sản
Ông Phạm Hồng Thịnh cho biết, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện những năm qua duy trì tăng trưởng khá, nông dân đã bắt đầu tập trung vào các giải pháp nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đã tập trung sản xuất an toàn và chế biến nông sản để đưa ra các sản phẩm có giá trị gia tăng. Chẳng hạn như: Hợp tác xã Táo VietGAP Cam Thành Nam; xoài sấy, bánh xoài Cam Lâm, chế biến hải sản…
Bên cạnh các thành quả, việc đầu tư cho sản xuất và phát triển nông nghiệp vẫn còn thấp so với tiềm năng và thế mạnh của huyện. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng còn thấp. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm các cấp HND trên địa bàn huyện tập trung cải thiện trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, HND huyện sẽ tập trung hỗ trợ hội viên, nông dân từng bước tăng hàm lượng chế biến để nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, đặc biệt là tập trung hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp xanh… phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Giai đoạn 2018-2023, huyện Cam Lâm có 46.743 lượt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tăng 13,6% so với nhiệm kỳ trước. Nông dân toàn huyện đã tương trợ, giúp đỡ 135 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, công lao động và nhiều vật tư nông nghiệp khác trị giá hàng tỷ đồng để giúp họ vươn lên thoát nghèo.