Cấm luồng đường thủy trên sông Ông Đốc phục vụ lễ hội Nghinh Ông
Thời gian cấm luồng đường thủy nội địa trên sông Ông Đốc (tỉnh Cà Mau) từ 11h đến 17h ngày 24/3.
Ngày 18/3, theo thông tin từ Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III, đơn vị này vừa có thông báo về việc hạn chế giao thông thủy trên sông Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Theo đó, vào ngày 24/3 (tức ngày 15/2 âm lịch), luồng đường thủy nội địa trên sông Ông Đốc khu vực từ Km 06+000 đến Km 09+800 (từ cảng cá Sông Đốc ra cửa biển, chiều dài khoảng 3,8km) bị cấm luồng trong khoảng thời gian từ 11h đến 17h để tổ chức diễu hành lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc năm 2024.
Trong thời gian diễn ra lễ diễu hành, các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông thủy được bố trí tại hiện trường.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau cho biết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lễ hội thường trực đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa tỉnh đề nghị địa phương giám sát chặt việc phương tiện không đăng ký với ban tổ chức, phương tiện vỏ lãi (phương tiện dùng để đi lại trên sông - PV) chạy vào khu vực luồng bị cấm.
"Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đu bám, cập mạn tàu cá lớn, chạy cắt ngang mũi tàu của ban tổ chức hoặc tàu tham gia lễ hội.
Đồng thời, giám sát chặt số lượng người đi trên các phương tiện, các tàu tham gia lễ hội phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn giao thông đường thủy nội địa, như: Có áo phao cứu sinh, dụng cụ cứu sinh cầm tay, người lái phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định", ông Bằng thông tin thêm.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được tổ chức vào ngày 14-15/2 (Âm lịch) hàng năm, nhằm tôn vinh loài cá Voi, hay còn gọi là "Nam Hải đại tướng quân". Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam.
Khi diễu hành, trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển, có một cụm tàu chính (gồm ba chiếc kết lại thành đoàn, người ta gọi là tàu thủy lực), tàu này có nhiệm vụ chở ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ…
Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người làm thủ tục khấn vái, thắp hương và "xin keo". Khi xin "được keo", tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về lăng Ông để thờ cúng.
Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, đây là dịp để ngư dân miền biển cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân ra khơi đánh bắt được trúng mùa.
Năm 2021, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.