Cấm mọi phương tiện qua cầu Long Biên và cầu Đuống

Ngày 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ra Thông báo về phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Long Biên và cầu Đuống.

Cụ thể, từ 15h ngày 10/9, cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên (chiều từ trung tâm Hà Nội qua và ngược lại). Các phương tiện di chuyển sang hướng cầu Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Cũng trong ngày, ngành đường sắt đã yêu cầu ngừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên.

Cấm người đi bộ và mọi phương tiện qua cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Nhật.

Cấm người đi bộ và mọi phương tiện qua cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Nhật.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị trên tuyến đường, nút giao. Các lực lượng chức năng theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.

Nước sông Hồng dâng cao nên cấm mọi người đi lại trên cầu để đảm bảo an toàn. Hình ảnh cầu Long Biên vào đầu giờ chiều 10/9. Ảnh: Hoàng Minh Nhật.

Nước sông Hồng dâng cao nên cấm mọi người đi lại trên cầu để đảm bảo an toàn. Hình ảnh cầu Long Biên vào đầu giờ chiều 10/9. Ảnh: Hoàng Minh Nhật.

Ngoài ra, đến tối 10/9, sau khi tạm dừng tàu chạy qua cầu Đuống, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị thành phố Hà Nội hạn chế các phương tiện đi qua cây cầu này để đảm bảo an toàn khi nước sông đang dâng lên.

Tối 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo cấm người đi bộ và phương tiện đi lại trên cầu Đuống, nối quận Long Biên với Gia Lâm, từ 22h. Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đi qua cầu này tạm dừng.

Phương tiện có nhu cầu lưu thông qua cầu Đuống đi theo các hướng Hà Huy Tập - Đặng Phúc Thông - tỉnh lộ 179 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cầu Phù Đổng - cầu Thanh Trì và ngược lại; hoặc Hà Huy Tập - Đặng Phúc Thông - tỉnh lộ 295 - quốc lộ 18 - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.

Ngoài ra, các phương tiện có thể chọn hướng Ngô Gia Tự - quốc lộ 5 - Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - quốc lộ 3 hoặc Trường Sa - Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại, hoặc Ngô Gia Tự - quốc lộ - vành đai 3 - đi cầu Thanh Trì hoặc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Chiều 10/9, lũ sông Hồng đã lên báo động một. Hàng nghìn người dân Hà Nội ở khu vực ven sông Hồng đã bị ngập lụt và đang được khẩn cấp di dời. Dự báo, lũ sông Hồng có thể ảnh hưởng hàng trăm nghìn dân ở 13 quận huyện của Hà Nội.

Nước ngập di tích đền Đa Hòa tại làng gốm Bát Tràng. Các hộ gia đình ở Bát Tràng cũng đang gấp rút đối phó với tình huống nước lên. Ảnh: Hương Lúa.

Nước ngập di tích đền Đa Hòa tại làng gốm Bát Tràng. Các hộ gia đình ở Bát Tràng cũng đang gấp rút đối phó với tình huống nước lên. Ảnh: Hương Lúa.

Thủy Nguyên

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cam-moi-phuong-tien-qua-cau-long-bien-va-cau-duong-c2a81787.html