Cam Mường Nhà mãi ngọt thơm…

ĐBP - Những năm 1980, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) là đất trồng cam. Dọc suối Nậm Núa, trên khắp thung sâu, phủ bóng các khe nước đồi cao đâu đâu cũng là cam. Tuy nhiên nhiều năm sau đó, cam Mường Nhà mất bóng, bị chặt thay bằng cây trồng khác hoặc bỏ không chăm sóc. Mường Nhà xưa đã chia tách thành 2 xã Mường Nhà và Na Tông. Hôm nay vào vùng đất này, vui mừng thay khi thấy những sạp cam bán ven đường. Dù không nhiều nhưng nhen nhóm niềm tin cam Mường Nhà đang 'hồi sinh'.

Người dân bản Pa Kín (xã Na Tông) bán cam bản địa gần trung tâm xã.

Ký ức vùng đất cam

Trong ký ức người dân 2 xã Mường Nhà, Na Tông, xưa kia cam là cây ăn quả được trồng nhiều nhất nơi đây. Ðối với những đứa trẻ ngày ấy, những trưa chạy nhảy, leo trèo trong những vườn cam là một phần tuổi thơ đáng nhớ, đầy màu sắc. Ông Vì Văn Chảnh, Trưởng bản Na Phay 1, xã Mường Nhà, năm nay hơn 50 tuổi chỉ tay về phía dòng suối Nậm Núa nhớ lại: “Từ khi tôi nhận thức được thì đã có cam rồi, các vườn cam chạy men theo suối, hầu như nhà nào cũng trồng. Nhà tôi cũng có mấy chục gốc cam, cây nào cũng sai, chắc được khoảng 2 tạ quả/cây/năm. Quả thì ngọt, mọng nước, chín vàng, vỏ mỏng có thể bóc bằng tay. Ðến mùa cam là mấy đứa nhỏ chúng tôi trèo lên hái ăn ngay trên cây, mà chọn cây nào ngọt mới ăn, chua một chút là bỏ ngay”.

Trong trí nhớ của những người cao tuổi ở Mường Nhà cam được trồng nơi đây từ những năm 1960, nhưng không còn nhớ rõ nguồn gốc cam từ đâu. Ðến những năm 80, vùng cam trải dài từ Pa Kín (xã Na Tông ngày nay) đến Pu Lau (Mường Nhà) và cả nhiều bản vùng cao khác. Mùa cam chín, cam trở thành hoa quả ăn hàng ngày, là món quà biếu, tặng cho khách quý, người thân, bạn bè. Khi đó giá cam rất thấp nhưng cũng mang lại một phần thu nhập để người dân vùng cao mua sắm hoặc đổi lấy mắm, muối, đồ dùng cần thiết. Bà Lò Thị Hương, bản Pa Kín, xã Na Tông chia sẻ: “Khi tôi còn bé, mỗi cây cam được 3 - 4 thồ quả (tính theo thồ ngựa). Thỉnh thoảng bố tôi cho lên ngựa chở ra Ðiện Biên (trung tâm huyện khi đó) bán. Mỗi lần bố đi như thế là cả nhà lại háo hức chờ xem bố mua hoặc đổi được gì, chủ yếu là mang về được gói muối, đường hoặc đồ dùng nhỏ nhặt gì đó”.

Ðến những năm 1990, diện tích cam dần thu hẹp. Do không được chăm sóc nên cây bị sâu bệnh, cằn cỗi, khô chết và bị chặt đi hàng loạt, thay vào đó là nhiều cây trồng khác như lúa, ngô, nhãn… Chỉ còn một số ít hộ vẫn giữ giống cây cam để phục vụ nhu cầu gia đình hoặc giữ nguyên diện tích cây trên nương để phát triển tự nhiên, không chăm sóc. Cùng với đó, khí hậu thay đổi, đất khô cằn nên quả cam bản địa ngày càng nhỏ, múi khô, chua, vỏ dày. Từ đó, cam Mường Nhà ít được nhắc đến và không còn thấy bán trên thị trường.

Những mùa cam mới

Trên con đường vành đai biên giới vào Na Tông, Mường Nhà, chúng tôi bị thu hút bởi gần chục sạp bán cam liền nhau của các phụ nữ dân tộc Thái. Người phụ nữ đã luống tuổi giới thiệu với chúng tôi rằng đây là giống cam bản địa Mường Nhà. Như để đảm bảo lời mình nói, cô chỉ tay về phía đối diện là cầu treo vào bản Pa Kín, xã Na Tông và bảo: “Cam trồng trong Pa Kín mấy chục năm rồi. Vào bản bảo bà con dẫn lên nương thì rõ. Bây giờ cả đất Mường Nhà, Na Tông chỉ có ở đây trồng nhiều cam nhất”.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm vào nhà ông Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản Pa Kín, được ông cho biết: “Cả bản có hơn 10 hộ trồng cam, quýt từ ngày xưa. Mỗi hộ có 30 - 40 cây cam, quýt lâu năm và vài chục đến hơn trăm cây non, chưa cho thu hoạch, tổng diện tích khoảng 6ha. Trước đây diện tích cam này bị bỏ mặc, ít quả và quả rất khô nhưng chúng tôi tiếc nên vẫn không chặt đi, được quả nào thì được. Từ khi có con đường vành đai biên giới, đi lại, mua bán thuận lợi thì các hộ mới lại quan tâm đến cây cam, mỗi năm đầu tư bón lân, phát dọn cỏ 1 lần. Dần dần cây tốt hơn, quả ra nhiều hơn và múi bớt khô. 2 - 3 năm gần đây, người dân lại có cam, quýt bán. Mặc dù quả cam chưa ngon như xưa nhưng được đánh giá có mùi thơm đặc trưng nên vẫn nhiều người hỏi mua. Thấy có tiềm năng kinh tế nên bà con lại tích cực nhân giống, ươm thêm cây mới”. Trong bản có các hộ trồng nhiều cam như: Gia đình ông Vì Văn Lả, Lò Văn Mỉa, Lò Văn Khiên, Lò Văn Hương… Ðến mùa cam, người quen, cán bộ, giáo viên trong xã thường đặt mua dùng cho gia đình và làm quà. Số còn lại, bà con hái mang ra chợ hoặc bán bên đường. Năm nay, người dân Pa Kín thu hoạch cam, quýt từ tháng 9, đến nay đã vào cuối vụ, giá đồng nhất từ đầu mùa là 20.000 đồng/kg.

Tại xã Mường Nhà cũng còn 8 hộ trồng cam bản địa, trung bình mỗi hộ có 30 - 40 cây. Gia đình ông Vì Văn Hoan, bản Na Phay 2 cũng có hơn 40 cây cam. Trừ những cây ít quả, quả khô, vụ cam năm nay, gia đình ông đã bán được hơn 5 tạ quả, thu về hơn 10 triệu đồng. Mặc dù chưa được chăm sóc nhiều nhưng có những cây cho thu đến 1 tạ quả, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân vùng cao dịp cuối năm.

Khó khăn vực dậy vùng cam

Thu nhập từ cam đã được minh chứng bởi nhiều hộ dân nhưng năng suất, chất lượng cam Mường Nhà vẫn còn thấp, chưa khẳng định được vị thế như xưa. Hiện tại những cây cam bản địa đều được trồng trên nương, khu vực có khe nước, ẩm, mát. Những cây lâu năm có thân cao, tán nhỏ, quả ít và không mọng nước. Muốn thu hoạch quả phải bắc thang hoặc đứng dưới gốc dùng sào hái. Cây non thì được người dân ươm từ hạt, trồng 6 - 7 năm mới cho quả. Vì vậy để cam Mường Nhà lấy lại được danh tiếng như xưa là rất khó.

Với những thực tế đó, cây cam không được đưa vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã Mường Nhà. Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: “Cam trồng lâu năm đã bị cằn và thoái hóa giống. Năm 2018, xã triển khai thử nghiệm trồng cam lòng vàng trên nương với 9 hộ dân bản Pha Lay nhưng tỉ lệ sống không cao, cây chậm phát triển. Vì vậy 2 năm gần đây không có mô hình hỗ trợ nào liên quan đến cây cam nữa, thời gian sắp tới cũng chưa có kế hoạch gì”.

Còn tại xã Na Tông, cam được đưa vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, xác định là cây sản phẩm hàng hóa và vận động nhân dân tham gia trồng, chăm sóc. Trong 2 năm 2018, 2019, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã triển khai hỗ trợ trồng 5,2ha cam tại các bản Hin Phon, Huổi Chanh, Sơn Tống, Na Ố, Hát Tao, Pa Kín. Tuy nhiên theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Na Tông - ông Vì Văn Biến thì: “Cây cam khó chăm sóc, người dân chủ yếu để cây phát triển tự nhiên nên hiệu quả chưa cao. Trong những năm tới, xã chỉ tiếp tục vận động nhân dân chăm sóc tốt diện tích cây đã trồng, còn cây mũi nhọn của xã vẫn là ngô và sắn”.

Với đánh giá tương tự về cây cam Mường Nhà hiện tại, ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: 2 xã Mường Nhà, Na Tông thuộc quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi (cam, bưởi) của huyện. Tuy nhiên giống cam Mường Nhà không còn giữ được chất lượng ngon như xưa, và cũng không phục tráng, nhân thuần được. Vì vậy trong định hướng không phát triển giống cam bản địa nữa mà sẽ tiến hành lai tạo lấy những đặc tính trội của cam Mường Nhà như ưu điểm phòng tránh sâu bệnh tốt, sống được ở môi trường khắc nghiệt để tạo ra giống cam mới ngon hơn, chất lượng hơn.

Nhiều người dân địa phương vẫn nặng lòng với giống cam bản địa. Tuy nhiên để hướng đến năng suất, chất lượng, phát triển cam thành nông sản, hàng hóa, tạo thu nhập cao cho người dân thì việc chọn lọc, thay đổi là điều khó tránh khỏi. Ðể cam Mường Nhà sẽ mãi ngọt, thơm trong ký ức của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183264/cam-muong-nha-mai-ngot-thom%E2%80%A6