Cảm nhận Sông Hinh

Không phải là địa danh du lịch nổi tiếng, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) hấp dẫn du khách bằng sự mới mẻ, vẻ đẹp hoang sơ và bản sắc văn hóa đa dạng.

Từ thị trấn Hai Riêng (huyện lỵ của huyện Sông Hinh), chiếc xe khách tuyến cố định rẽ vào con đường nhựa phẳng lỳ, tít tắp, hai bên đường ngút ngàn những cánh rừng cao su, cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mì (sắn), mía… đưa chúng tôi đến nhà một người bà con thân thiết quê hương Hà Nam. Chú em người nhà vốn quê gốc ở xã Thanh Nghị (Thanh Liêm) vào đây làm công nhân Nông trường Cà phê Buôn Kít, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Khánh (tỉnh hợp nhất Phú Yên- Khánh Hòa) và xây dựng gia đình riêng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi nông trường giải thể, gia đình chú em trở thành công dân thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Khi xe dừng bánh cũng là lúc chú em và người nhà đã đứng sẵn ở cổng, đon đả chào đón khách quê vào chơi. Bước vào ngôi nhà mái bằng khang trang giữa một vườn cây trái, hoa, rau, củ… và thưởng thức một “bữa cơm người nhà” giữa vùng đất Tây Nguyên lộng gió, đã khiến chúng tôi có ấn tượng mạnh về đất và người nơi đây. Từ món cháo gà nhà nuôi, món ăn "chưa bao giờ được ăn gà ngon đến thế!” như lời cậu cháu trong đoàn, chú em đã cho chúng tôi thấy được cái hay, cái lạ của vùng đất này.

Theo lời kể của chú em, nuôi gà ở đây dễ lắm, không cần chuồng và chẳng bao giờ biết có bao nhiêu con. Gà tự tìm chỗ đẻ trứng, ấp trứng nơi bụi cây, hốc đất, lứa nọ kế lứa kia. Chỉ đến khi thấy gà mẹ dẫn đàn con về sân nhặt ngô, nhặt thóc thì chủ nhà mới biết đó là gà nhà mình. Ban ngày chúng chạy khắp các nương rẫy kiếm giun, dế ăn, tối về nhảy lên cành cây đậu ngủ; mỗi ngày chỉ cần té ít ngô, sắn, lúa, cơm nguội cho chúng ăn thêm là đủ. Gà nhiều và rất ngon nên không ít lần về thăm quê, quà chú mang theo là đôi lồng gà nặng trĩu...

Thác H’Ly mùa nước cạn.

Thác H’Ly mùa nước cạn.

Buổi chiều thong thả, chú em dẫn mọi người thăm thú cơ ngơi. Phía sau và bên nhà là vườn cây trái với đủ thứ hoa quả của đất rừng Phú Yên như: bơ, sầu riêng, mãng cầu, măng cụt, chôm chôm, vú sữa, mận (ngoài Bắc gọi là quả roi) và một ít cọc tiêu. Vườn cây trái này chủ yếu để gia đình ăn và thi thoảng gửi về quê làm quà. Ngợp mắt nhất là khi chú dẫn cả đoàn thăm rẫy cà phê, cao su, hồ tiêu cách nhà không xa. Rẫy cao su bát ngát với những cây trên chục năm tuổi cao vút đều tăm tắp, mỗi thân cây đều được gắn một chiếc bát để lấy mủ (nhựa). Cao su trồng được 8 năm bắt đầu cho mủ. Mỗi ngày người dân dậy từ nửa đêm đi cạo mủ, để sáng ra kịp gom lại “bán đổ” cho đại lý thu mua. Mủ cao su bắt buộc phải khai thác vào ban đêm mới bảo đảm chất lượng. Rẫy của chú em có đến vài nghìn gốc cao su đang vào tuổi thu hoạch, tùy giá từng thời điểm, nhưng mỗi ngày cho thu nhập hàng triệu đồng từ tiền bán mủ... Rời rẫy cao su, chúng tôi ghé thăm rẫy cà phê, hồ tiêu. Trong tiết Xuân, hàng nghìn gốc cà phê xanh ngút ngát với những bông hoa đang độ bung nở trắng muốt; những dây tiêu bám vào thân cọc là những cột bê tông xanh ngắt với những chùm hạt xanh... khiến ai cũng cảm thấy thích mắt. Kế tiếp là những rẫy mì (sắn) trồng xen canh cùng sầu riêng, vú sữa, bơ, keo... trải dài bát ngát.

Đứng giữa những nương rẫy xum xuê, ngút ngàn đến hết tầm mắt, mọi người trong đoàn cảm nhận được sự trù phú của mảnh đất này cũng như công sức của những người con Hà Nam và nhiều người dân từ các tỉnh miền Bắc đã bỏ ra bao năm qua trên vùng quê hương mới.

Xã Sông Hinh có diện tích tự nhiên hơn 25 nghìn ha, chủ yếu là đồi, núi thấp, hồ, sông, suối và đất bằng; với hơn 2.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào thuộc 11 dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Bà con nơi đây chủ yếu cấy lúa, trồng mì, cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái và chăn nuôi trâu, bò, dê. Đến với Sông Hinh, đoàn khách chúng tôi dành thời gian ghé thăm thác H'Ly. Đây là một địa danh du lịch nổi tiếng của huyện Sông Hinh cũng như tỉnh Phú Yên với nhiều ghềnh thác cao cùng dòng suối rộng, tạo nên khung cảnh hùng vĩ và thơ mộng. Dù vào mùa nước cạn nhưng thác H'Ly vẫn mang vẻ hùng vĩ bởi có dòng nước từ hồ thủy điện Sông Hinh đổ xuống, tạo thêm nét dịu dàng, thơ mộng và những “bản hòa ca” du dương của núi rừng. Ngoài ra, các điểm du lịch sinh thái khác như cầu suối Gỗ ở hạ nguồn sông Ea Bar và sông Nhau, cũng là nơi du khách có thể tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.

Tại Sông Hinh còn có Khu Di tích lịch sử thôn Hà Roi. Người dân nơi đây gọi địa danh này là Gộp Tà Khô. Với vị trí chiến lược quan trọng, điểm tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, đồng thời có tuyến đường giao liên miền Tây của tỉnh Phú Yên đi qua, nơi đây từng là căn cứ cách mạng của huyện Sông Hinh trong kháng chiến chống Mỹ. Trong chuyến thăm Sông Hinh, chúng tôi không có dịp được đi thăm khu di tích lịch sử này nhưng qua lời kể của mọi người được biết, Gộp Tà Khô là một tảng đá lớn, dài, gác ngang như một tấm lá chắn vững chắc, tạo thành nơi trú ẩn an toàn, chở che cho người dân, bộ đội trong những cuộc càn quét của địch. Tại đây vẫn còn dấu tích của bom đạn, minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh. Khu di tích là điểm đến cho loại hình du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ.

 Gia đình người Ê Đê ở Buôn Kít (Sông Hinh) theo chế độ mẫu hệ.

Gia đình người Ê Đê ở Buôn Kít (Sông Hinh) theo chế độ mẫu hệ.

Địa điểm ghé thăm tiếp theo của chúng tôi là Buôn Kít, nằm ở phía Bắc của xã Sông Hinh. Buôn Kít có 120 hộ, trên 500 nhân khẩu, có 4 dân tộc anh em cùng chung sống (Ê- đê, Bana, Rắc Lay, Kinh), trong đó bà con người Ê- đê là nhiều nhất. Buôn Kít khá sầm uất, đông đúc, với những ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói của bà con dân tộc, một số cửa hàng tạp hóa. Bà con người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, khi xây dựng gia đình, nam giới về nhà vợ ở, con sinh ra mang họ mẹ.

Là địa phương có nhiều bà con các dân tộc sinh sống đã tạo nên cho xã Sông Hinh một bức tranh văn hóa phong phú bản sắc với nhiều lễ hội và nghi thức tâm linh độc đáo như: cúng về nhà mới, cúng đầu năm mới, cúng cổng làng, cúng đất mới, cúng Giàng (Trời), cúng rẫy, cúng bến nước, cúng lúa về kho, cúng lễ cưới, lễ đâm trâu... Những lễ hội, nghi thức tâm linh này phản ánh sâu sắc nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nơi vùng đất đỏ Sông Hinh.

Đến Sông Hinh, du khách cũng có thể đi du lịch bằng thuyền trên hồ thủy điện Sông Hinh để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Tới đây, mọi người có thể ghé thuyền lên những cồn bãi giữa lòng hồ thưởng thức món cá nướng bắt lên từ lòng hồ. Ở một số cồn rộng, người dân ở đây lập trang trại chăn nuôi bò, dê, trồng cây ăn quả.

Với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp và văn hóa đa dạng, xã Sông Hinh là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn khám phá và trải nghiệm những nét độc đáo. Những đứa cháu trong nhà, trong họ, tuần trăng mật hay chọn Sông Hinh để đến, vì nơi đây vừa có người nhà, vừa có phong cảnh hoang sơ, thiên nhiên phong phú, đa dạng. Chạy trên con đường nhựa phẳng lỳ, giang tay hít đẫy lồng ngực không khí trong lành, thuần khiết của núi rừng, mỗi chúng tôi như thấy tràn đầy năng lượng.

Ra thăm thác H'Ly, thả đôi chân xuống dòng nước đang chảy, vốc từng vụm nước trong vắt mát lạnh lên mặt, thấy không có gì thoải mái hơn. Đi vào Buôn Kít, bắt gặp một không gian văn hóa hoàn toàn khác biệt, đậm đà bản sắc, hoặc đi giữa những rẫy cà phê, hồ tiêu, cao su, mì, keo… phủ kín càng cảm nhận sức sống tràn đầy trên vùng kinh tế mới. Sông Hinh đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, hệ thống giao thông được cứng hóa, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới, nước sạch, trên 90% hộ dân có xe máy, ô tô, điện thoại di động, phương tiện nghe nhìn… vì thế mọi tiện ích đều đáp ứng.

Nếu muốn khám phá sự mới mẻ, thì Sông Hinh là một lựa chọn lý tưởng.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/cam-nhan-song-hinh-160418.html