Cảm ơn nghề đã đưa tôi đến Trường Sa

Cuộc đời người làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi. Tuy nhiên, có một chuyến đi khiến tôi không bao giờ quên đó là chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa của Tổ quốc thân yêu.

Mở nhạc, ngân nga trong đầu những bài hát về Trường Sa, về lính đảo,… chính là việc đầu tiên từ khi biết mình sẽ là một trong hơn 100 thành viên của Đoàn công tác cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 tháng 1/2024. Tôi tìm đọc tất cả những tư liệu về lịch sử liên quan đến các đảo ở huyện đảo Trường Sa với niềm tự hào không thể nói hết…

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô tác nghiệp tại Trường Sa tháng 1/2024.

Phóng viên Báo Lao động Thủ đô tác nghiệp tại Trường Sa tháng 1/2024.

…Và rồi, khi mà Hà Nội vẫn còn chìm trong khối không khí lạnh những ngày cuối năm (gần Tết Nguyên đán), tôi cùng nhiều đồng nghiệp phía Bắc tạm gác lại những bộn bề công việc, “hành quân” đến Khánh Hòa nắng, gió để bắt đầu hải trình vượt hơn 1.000 hải lý (gần 2.000km) đến với Trường Sa. Xe của Quân chủng Hải quân đón chúng tôi về nhà khách để hoàn thiện những thủ tục giấy tờ cần thiết cho chuyến hải trình sắp tới. Theo Đại tá Nguyễn Xuân Dũng - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 4, đơn vị đã triển khai kế hoạch, chương trình công tác của đoàn phóng viên trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đi thực tế, tuyên truyền về công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác tìm kiếm, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển; công tác vận chuyển hàng hóa để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vui xuân, đón Tết và cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa…

Đã được nhiều thế hệ đi trước chia sẻ về hải trình sóng gió trong “mùa biển động”, đêm trước khi khởi hành, những phóng viên, nhà báo trong đoàn đều có chung tâm trạng hồi hộp xen lẫn chút lo lắng. Lo lắng không phải vì ngại khó, ngại khổ mà lo làm thế nào thích ứng nhanh nhất với những cơn say sóng, thích nghi với cuộc sống trên tàu, để còn tác nghiệp trong những ngày đến với Trường Sa. Ngày đầu tiên trên biển, thời tiết không ủng hộ, những cơn giông trên biển diễn ra liên tục, sóng biển có đợt cao từ 9 - 12m. Con tàu đầy tải với lượng giãn nước 2.050 tấn của chúng tôi chao đảo, có lúc thân tàu nghiêng tới hơn 30 độ. Nhiều phóng viên say sóng không thể xuống nhà ăn hay tham gia các hoạt động trên tàu. Sau hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, 6h sáng 5/1, tàu cập bến mang theo hương vị Tết đến với đảo Trường Sa lớn.

Đón đoàn công tác ở âu tàu là các chiến sĩ cùng người dân, với những tràng pháo tay và nụ cười rạng rỡ. Ba ngày trên đảo đối với những người lần đầu đặt chân đến Trường Sa như chúng tôi là khoảng thời gian quý giá và thật sự bổ ích. Các nhà báo tranh thủ tối đa thời gian để khai thác thông tin, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, ghi hình, chụp ảnh để phục vụ các bài viết. Nhà báo Đinh Công Doanh - báo Bắc Giang chia sẻ, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ và người dân ở Trường Sa đã tiếp đón đoàn rất chu đáo, tình cảm. Những cuộc gặp ngắn nhưng để lại nhiều tình cảm xúc động. Tất cả đều gần gũi, cởi mở chia sẻ về nhiệm vụ và cuộc sống ở đảo. Là người đã dành cả tuổi xuân phục vụ, chiến đấu trên các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa, Trung tá Trần Quang Phú - Chỉ huy Trưởng đảo Trường Sa, chia sẻ, có dịp tiếp xúc với nhiều đoàn công tác ra thăm đảo, nhưng với tôi làm việc với đoàn phóng viên, nhà báo, tôi nhận thấy ai cũng nhiệt tình, tâm huyết. Với chúng tôi, các đồng chí chính là những “chiến sĩ trên mặt trận thông tin”, là cầu nối mang hơi ấm, tình cảm của đất liền đến đảo xa và mang hình ảnh Trường Sa đến nhiều nơi hơn.

Dưới tán cây bàng vuông, tôi có cơ hội được ngồi nghe chuyện kể của những người lính đã nhiều năm làm nhiệm vụ ở Trường Sa; chia sẻ về những khó khăn cũng như niềm tin yêu biển đảo giúp họ vượt qua khó khăn ấy. Đại úy Phan Ngọc Anh - Trưởng tháp tăng Cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa có thời gian công tác trong quân ngũ gần 30 năm thì có khoảng 20 năm làm nhiệm vụ ngoài đảo. Anh kể, lần đầu tiên ra đảo, tôi theo tàu Trường Sa 14, món quà mà người bạn ở đấy tặng tôi là một can nước ngọt 10 lít. Trong đầu tôi lúc đó đặt câu hỏi sao lại tặng món quà kỳ lạ đến vậy!?. Nhưng rồi, chỉ qua một ngày làm quen với đảo, bản thân anh đã hiểu đó là món quà quý giá bởi ở đảo lúc đó nước ngọt rất hiếm, một vài ngày mới tắm một lần. Anh em muốn tích trữ phải chờ trời mưa rồi chủ động đưa can ra hứng và mưa thì theo mùa, không phải ngày nào cũng có. Khi dùng phải hết sức tiết kiệm, chứ không được hoang phí. Đến nay nguồn nước ở đảo đã phong phú hơn nhiều, các bể chứa, hệ thống tích nước đã hiện đại và đủ đầy hơn.

“Bản thân tôi ra đảo làm nhiệm vụ, không được ở gần chăm lo gia đình cũng là một thiệt thòi, nhưng so với niềm tự hào được cống hiến cho Tổ quốc thì còn vinh dự hơn nhiều. Đảo như là quê hương thứ 2 của tôi vậy!”, Đại úy Phan Ngọc Anh nói với giọng đầy tự hào.

Tàu HQ 561 tiếp tục đưa đoàn công tác đến những điểm đảo nằm trên thềm san hô ngập nước, tàu lớn không thể tiếp cận được. Chúng tôi phải “tăng bo” bằng xuồng để vào đảo. Có lẽ không chỉ bản thân tôi mà với nhiều phóng viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xuống chở khoảng 10 người đứng gần với những cơn sóng biển cao đến thế. Nước biển tạt vào rát mặt, ướt quần áo, nhưng máy móc thiết bị ghi hình, là những thứ được chúng tôi bảo quản, giữ gìn hơn cả. Bởi, đây chính là những thứ có thể truyền tải chân thực nhất về nghị lực, tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của những người lính Hải quân. Điều ấn tượng nhất khi công tác tại các điểm đảo là anh em chiến sĩ dù ở cương vị nào, vị trí nào, đều có chí hướng xây dựng và cống hiến trong công cuộc bảo vệ biển đảo quê hương.

Trong chuyến công tác lần này, tôi thật sự ấn tượng với tình cảm quân và dân trên các đảo ở Trường Sa. Ở Trường Sa những ngày chớm xuân thời tiết hay thất thường. Nắng mưa bất chợt, song đã mưa là mưa thật to, đã nắng là cháy da, rát mặt. Ấy thế nhưng tình cảm của các chiến sĩ, người dân thì luôn đầy ắp. Tình cảm ấy càng đậm sâu hơn trong không khí đón Xuân sớm vô cùng đầm ấm ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Chủ tịch thị trấn Trường Sa Trần Quang Phú phấn khởi cho biết, nhận được tin đoàn công tác ra thăm Trường Sa, từ nhiều ngày nay, cả đảo háo hức đón chào.Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và đồng bào ở mọi miền đất nước đã giúp cho quân và dân huyện đảo được đón Tết cổ truyền sớm hơn ở đất liền, bảo đảm sung túc, đủ đầy. Chị Nguyễn Ngọc Thương, người dân hộ số 3 thị trấn Trường Sa chia sẻ, Tết của quân và dân ở Trường Sa không chỉ có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh… mà còn có cả hoa tươi, cây quất cùng những món quà Tết thắm nghĩa tình đồng bào gửi đến Trường Sa từ đất liền. Do vậy, người dân nơi đây luôn cảm thấy Trường Sa rất gần với đất liền trong tình thương yêu, đoàn kết gắn bó…

Sau hải trình gần 20 ngày với nhiều trải nghiệm, tác nghiệp ở Trường Sa, chúng tôi lại trở về với đất liền. Nhưng Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng! Mỗi người dân Việt Nam, ai cũng mong muốn được một lần đặt chân đến. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, khó khăn, khắc nghiệt nhưng sức sống của Trường Sa luôn vươn lên mãnh liệt để ai đến rồi luôn cảm thấy tự hào hơn.Đối với tôi, hành trình đến Trường Sa có lẽ chỉ có một lần trong sự nghiệp làm báo, nhưng hành trình của cảm xúc thì vẫn mãi neo giữ trong tim như ngọn lửa âm ỉ cháy suốt cuộc đời. Cảm ơn nghề đã đưa tôi đến Trường Sa!

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cam-on-nghe-da-dua-toi-den-truong-sa-172436.html