Cảm thụ văn học: Vị ngọt của những đồng tiền ân nghĩa
Truyện ngắn 'Chuyến xe giáp Tết' có vị đắng của buồn thương tuyệt vọng, nhưng kết lại vẫn là vẻ đẹp của tình người giữa lúc gieo neo...

Minh họa: Linh Chi
Tết đoàn viên - Xuân hạnh phúc. Trong cái men say của đất trời vào xuân, trong cái hân hoan của lòng người muôn phương đang tìm về mái ấm, tim tôi thắt lại khi đọc truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết” của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang. Câu chuyện dung dị, rất đời xảy ra trên một chuyến xe ngày giáp Tết. Truyện có vị đắng của buồn thương tuyệt vọng, nhưng kết lại vẫn là vẻ đẹp của tình người giữa lúc gieo neo.
Chưa vui đã buồn
Đọc truyện “Chuyến xe giáp Tết”, tôi nghĩ đến cái tài của Vũ Thị Huyền Trang trong việc diễn tả không khí rất riêng của những ngày giáp Tết, từ sự nhộn nhịp của phố phường với “cành hoa đào ai đó chở sau xe” đến cái háo hức của lòng người những mong trở về sum họp, bỏ lại phía sau những vất vả nhọc nhằn bởi cuộc sống mưu sinh. Trong cái khí vị chung và rất chung đó, nhân vật chính trong truyện, ông Thuộc, người đàn ông ngoài sáu mươi, lên thành phố làm thợ vữa, thu vội quần áo bắt xe mang Tết về cho đứa cháu nhỏ dại ở quê.
“Cả năm cực nhọc ăn ở tạm bợ”, Tết ông Thuộc mang về cho bà, cho cháu là hơn hai chục triệu tiền mồ hôi lao động của mấy tháng “dãi nắng lại dầm mưa”. Đồng tiền có được từ vai áo đẫm mồ hôi, là công nợ của bà, áo mới của cháu, thế nên, nhận tiền công thanh toán từ chủ thầu, ông gìn giữ rất cẩn trọng. Liên hoan cuối năm ông không dám uống say, ngủ ông “giật mình sờ lên chiếc gối trên đầu, thở phào nhẹ nhõm khi thấy cọc tiền vẫn còn nguyên”, rồi khi ra về ông cất kỹ bọc tiền dưới đáy ba lô, ôm chặt trong tay, lòng ông đầy xúc động mang Tết về cho cháu.
Song, nghèo lại gặp cái eo, khốn lại càng thêm khó. Niềm vui vừa nhen, rủi ro ập tới. Trên đường về Tết, kẻ gian đã rạch túi lấy cắp số tiền ông cực nhọc mới có được. Có thể xem, sự việc ông Thuộc mất cắp số tiền công thợ là nút thắt của câu chuyện, nút thắt đó tạo nên hai nửa tâm trạng của nhân vật: Chưa kịp vui đã buồn, vừa hy vọng đã tuyệt vọng. Nữ nhà văn Vũ Thị Huyền Trang quả thực rất am hiểu tâm lý người lao động nghèo. Cho nên, mạch truyện chị kể cứ chảy một cách tự nhiên mà nghèn nghẹn xót đau về phận người, cảnh đời nặng gánh mưu sinh.
“Tiền! Toàn bộ tiền công làm lụng mấy tháng của tôi không thấy đâu hết. Hơn hai mươi triệu. Tiền của tôi…”. Câu văn mang tính chất đối thoại (lời ông Thuộc phân trần với cậu thanh niên trên xe) mà cứ ngỡ như độc thoại, có chút gì đó thảng thốt, buồn tiếc, tuyệt vọng bởi đồng tiền mồ hôi công sức đã mất đi.
“Giọng ông run run. Tiếng của ông nghe như đang sắp khóc. Đó là toàn bộ số tiền ông mang về cho người vợ tần tảo ở nhà. Nói là tiền tiêu Tết nhưng thật ra nó dùng trả một vài món nợ mà bà nhà đã vay mượn lúc túng bí để xoay xở tiền học hành, thuốc thang cho cháu…
Ông không còn nghe thấy những lời bàn tán nữa. Trong đầu ông chỉ hiện ra hình ảnh người vợ gầy gò và đứa cháu nhỏ tội nghiệp đang trông ngóng mình về”. Còn gì buồn hơn, mang Tết về giờ lại trắng tay, ngòi bút của Vũ Thị Huyền Trang đã diễn tả rất đúng nỗi niềm người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi vẫn phải đi làm ăn xa, gò lưng xách từng xô vữa.
Tiền mất, đã buồn. Và khó hơn là “biết phải ăn nói làm sao với vợ” khi tay trắng về nhà. Sự việc mất cắp từ nút thắt đẩy lên cao trào, hoàn cảnh nhân vật ngỡ như bế tắc, để rồi vỡ òa trong cảm xúc lâng lâng khi lòng tốt nhen lên.

Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang còn có nhiều trích đoạn trong sách giáo khoa mới Chương trình GDPT 2018. Ảnh: INT
Tình người sáng lên
“Lòng tốt để duy trì sự sống/ Cho con người thực sự Người hơn”, câu thơ trong bài “Nói cùng anh” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mấy chục năm về trước quả là một châm ngôn về lẽ sống cao đẹp. Câu chuyện về người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi lên thành phố làm thợ vữa trên đường “mang Tết về cho cháu” mất trọn số tiền công lao động khiến tôi ngẫm nhiều hơn đến cái chân lí muôn đời: Lòng tốt xoa dịu những thương đau, yêu thương gieo mầm hạnh phúc. Và chừng nào, trên đời này, lòng tốt luôn hiện hữu thì cay đắng, tuyệt vọng mấy cũng qua, cuộc sống sẽ vui lên.
Trong truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết” (Vũ Thị Huyền Trang), nếu nhân vật ông Thuộc là một người lao động nghèo đáng kính, đáng thương thì cậu thanh niên đi xe khách ngồi bên cạnh ông lại rất đáng mến, đáng yêu và cả đáng khâm phục nữa.
Biết việc ông Thuộc mất cắp, chàng trai trẻ hiếu thảo – người mang bó cành mận rừng nhỏ về thắp hương cho bố là lính biên phòng đã hy sinh trong một chuyên án ma túy - đã có một ý tưởng hay, kêu gọi hành khách trên xe quyên góp tiền giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp, làm thuê làm mướn xa nhà.
Tuyệt vời hơn, ngọt lửa thiện tâm nhỏ bé nơi trái tim chàng trai nhen lên đã kịp tỏa hương và sưởi ấm. Nghĩa cử đẹp, nhân thêm nhiều nghĩa cử. Những con người xa lạ trên chuyến xe tình nghĩa đã đồng tâm nhất trí, thơm thảo tấm lòng, giúp đỡ, chia sẻ với ông Thuộc lúc khó khăn.
“Gần ba chục hành khách trên chuyến xe đã đứng quây quần lại. Người rút ví lấy ra vài trăm. Người chẳng đắn đo gì, đếm mấy tờ polime xanh lét. Người lôi từ cạp quần ra chiếc túi vải, chọn một tờ tiền chẵn đưa cho cậu thanh niên. Người kịp vuốt phẳng phiu xấp tiền lẻ năm ngàn vẫn còn phảng phất mùi tanh của cá. Bác tài dập vội điếu thuốc, thò vào túi áo ngực lấy tiền góp chung với mọi người.
Cậu thanh niên ngồi xếp lại những đồng tiền vừa nhận, đếm đi đếm lại. “Chín triệu cả thảy. Cháu sẽ bỏ thêm cho tròn mười triệu”. Yêu quá, những đồng tiền thấm đượm nghĩa tình. Chuyện ông Thuộc chẳng may mất cắp, buồn chán, tuyệt vọng tan đi bằng cái vỗ tay vui vẻ của tấm lòng nhân ái giữa cuộc sống đời thường.
Đọc truyện, ta thấy được một điều thú vị, các nhân vật cậu thanh niên, bác tài xế, hành khách trên xe, những con người bình dị, vô danh giữa cuộc sống đời thường. Những tấm lòng đẹp trên chuyến xe giáp Tết như là minh chứng để ta khẳng định rằng: Đời này còn nhiều những người tốt, biết yêu thương, sẻ chia, chỉ cần người ta biết cách nhen lên thì lòng thiện sẽ đơm hoa, cuộc đời sẽ sinh sôi nụ cười hạnh phúc. Đừng để lòng thiện của bản thân mình bị lấp vùi bởi những sân hận, bon chen giữa dòng đời tất bật này.
Đọc truyện “Chuyến xe ngày Tết”, ta thêm tin yêu cuộc đời, quý trọng tình nghĩa con người. Cái Tết ngỡ như buồn của gia đình người lao động nghèo trong truyện chắc chắn sẽ ấm hơn bởi những đồng tiền thơm thảo nghĩa tình. Nghệ thuật vị nhân sinh, trang văn giá trị tất nhiên phải là những trang văn soi tỏ cuộc đời, hướng nhân gian đến vùng trời Chân - Thiện - Mỹ, để thanh lọc tâm hồn, sống tốt hơn giữa muôn kiếp nhân sinh.

Ảnh minh họa: INT
Nghệ thuật truyện ngắn
Truyện ngắn, “đó là một tác phẩm nghệ thuật có bề sâu nhưng lại không được dài”. Với 2.435 chữ, vẻn vẹn 3 trang sách, “Chuyến xe giáp Tết” của Vũ Thị Huyền Trang tự như thứ “nước hoa cô đặc”, mà có sức chứa lớn về nội dung, tư tưởng. Câu chuyện về người lao động nghèo trên chuyến xe giáp Tết đọng lại dư vị khó quên về giá trị của tình người giữa lúc khó khăn.
Sức hấp dẫn của truyện còn được thể hiện ở những nét độc đáo của nghệ thuật viết truyện ngắn. Cái tài của người viết, nhà văn Vũ Thị Huyền Trang, là chị đã dựng nên một tình huống, sự kiện ông Thuộc mất cắp số tiền làm lụng vất vả trên đường về quê đón Tết. Tình huống truyện làm nổi hình, nổi sắc hoàn cảnh đáng thương của ông Thuộc. Con trai bỏ mạng nơi xứ người, tuổi già phải nặng gánh mưu sinh.
Niềm vui của người ông “mang Tết về cho cháu” vừa chớm, nỗi buồn ập tới, ông mất tiền, những đồng tiền mồ hôi, song sự việc đó cũng là bước ngoặt để ông già có hoàn cảnh tội nghiệp được đón nhận sự chia sẻ của gần ba mươi hành khách trên chuyến xe nghĩa tình. Tình huống giúp người viết khắc họa rõ nét nhân vật, phát triển cốt truyện, mở ra những chiều sâu tư tưởng, tình cảm.
Đọc đi, ngẫm lại truyện, tôi như bị hút vào chi tiết nghệ thuật đắt giá, ông Thuộc hai lần bật khóc. Lần đầu, ông khóc bởi mất số tiền mồ hôi công sức, niền vui về Tết trở thành nỗi lo, mất tiền là mất Tết. Lần sau, ông khóc bởi xúc động trước ân tình của hành khách trên xe dành tặng, họ góp tiền, chia sẻ với ông lúc khó khăn.
“Chi tiết là bụi vàng của tác phẩm”, với chi tiết nghệ thuật đặc sắc này, nhà văn thể hiện một cách chân thực diễn biến tâm trạng của nhân vật, buồn lo và xúc động, biết ơn. Ân tình của người nghệ sĩ làm nên câu chuyện xúc động, tài năng nghệ thuật sẽ viết nên một áng văn hay.
Với truyện ngắn “Chuyến xe giáp Tết”, người đọc nhận thấy cái tài của Vũ Thị Huyền Trang ở nghệ thuật viết truyện ngắn, sự sáng tạo tình huống, chọn lọc chi tiết nghệ thuật, và nữa là cách chọn điểm nhìn trần thuật độc đáo. Truyện được kể từ điểm nhìn trần thuật ngôi thứ ba, toàn tri. Cái nhìn khách quan giúp người kể bao quát toàn bộ diễn biến cốt truyện.
Song, đâu đó, người đọc vẫn nhận thấy sự dịch chuyển trong điểm nhìn trần thuật, từ điểm nhìn trần thuật bên ngoài sang điểm nhìn trần thuật bên trong, người kể như đặt mình vào nhân vật ông để phơi trải nỗi lòng, từ những âu lo, tuyệt vọng khi mất cắp đến sự xúc động nghẹn ngào khi được đón nhận những sẻ chia của những người bạn đường nhân ái.
Đông sắp cạn ngày, cái lạnh sẽ tan đi nhường chỗ đón chào nàng Xuân ấm áp. Giữa dòng đời tất bật, trên những chuyến xe hồi hương sau những vất vả nhọc nhằn, tôi tìm thấy nụ cười của niềm mong ước sum họp đoàn viên.
Nghĩ về chuyến xe giáp Tết trong truyện của Vũ Thị Huyền Trang, tôi ước ao cuộc đời sẽ nhiều và rất nhiều những chuyến xe tình nghĩa thơm thảo. Cuộc đời tránh sao hết nước mắt, niềm đau, song tình người sẽ làm nên hạnh phúc. Hãy âm thầm làm việc tốt, trao ân tình như những người dưng trong truyện “Chuyến xe giáp Tết” của nữ nhà văn quê Đất Tổ Hùng Vương.
Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang sinh năm 1987, quê ở xã Chí Tiên (Thanh Ba, Phú Thọ). Chị tốt nghiệp Khóa 9 Khoa Viết văn và Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện là hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ. Có lẽ, trong giới cầm bút nữ hiện nay, Vũ Thị Huyền Trang là cây bút viết khỏe, với chị viết là niềm đam mê, niềm ước ao bộc lộ nỗi lòng mình và nhen lửa yêu thương khát khao về lẽ sống nhân văn cao đẹp.
Mỗi trang viết của nhà văn, dù ở bất cứ thể loại thơ, truyện ngắn, tản văn đều “đầy ắp tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với bản tâm hồn nhiên, thuần hậu”. Hữu duyên được đọc trang viết của Vũ Thị Huyền Trang, tôi ấn tượng với nhiều những tập truyện giá trị: “Giặc bên Ngô” (2011); “Chỉ cần nhắm chặt mắt” (2013); “Chỉ thấy mây trời” (2017)… và mới nhất là “Lưng người thăm thẳm” (2024)…
Sở trường của Huyền Trang là viết về miền núi, viết về đồng quê, viết về những con người nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh, ẩn sau trang văn là trái tim ấm áp yêu thương, nặng tình đời tình người của một trái tìm giàu trắc ẩn.
Đặc biệt, trong sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018, nhà văn Vũ Thị Huyền Trang có trích đoạn “Hái trăng trên đỉnh núi” in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4 tập 1 bộ Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam; “Tạm biệt mùa hè” in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Tác phẩm “Tạm biệt mùa hè” cũng đã được đưa vào phần Ôn tập, đánh giá định kỳ môn Tiếng Việt lớp 4, bộ sách Chân trời sáng tạo, tập hai.