Cấm xe máy chạy xăng: Phép thử lớn với Hà Nội trong hành trình chuyển đổi xanh
Việc cấm xe máy chạy xăng tại Vành đai 1 từ 1/7/2026 là phép thử lớn với Hà Nội trong hành trình chuyển đổi xanh nhằm giảm khí thải, thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng và nâng cao chất lượng không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, để chính sách khả thi, thành phố cần đi kèm các chính sách đồng bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội triển khai ngay các giải pháp để từ ngày 1/7/2026 không còn xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Đây chắc chắn là một “cú hích lớn” cho giấc mơ về giao thông sạch với những “con đường xanh” của Hà Nội - điều tưởng chừng đã nằm mãi trên giấy.
"Chịu đau" khi không khí Hà Nội ô nhiễm thứ hai thế giới
Hà Nội - một ngày giữa tháng 7, bầu trời mù mịt không phải vì sương sớm, mà bởi bụi mịn dày đặc đến mức khiến ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Sáng 14/7, chỉ số chất lượng không khí AQI của thành phố lên tới 167 – mức có hại cho sức khỏe, xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí. Đó không còn là một lời cảnh báo mà là một hồi chuông báo động.

5 nguồn phát thải gây ô nhiễm thủ đô Hà Nội
Theo các chuyên gia, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cũ chạy xăng, là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí Hà Nội xuống cấp trầm trọng. Hằng ngày, hàng triệu xe máy chen chúc trên các tuyến phố, vừa xả khí thải, vừa khuấy động lớp bụi mịn sát mặt đất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.
Cấm xe máy chạy xăng, dù chưa giải quyết triệt để, nhưng chắc chắn sẽ giảm đáng kể lượng phát thải độc hại, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm, nơi mật độ dân cư và giao thông dày đặc nhất.
Không thể trì hoãn
Nghị quyết hạn chế xe máy đã được HĐND thành phố thông qua từ năm 2017. Từ đó đến nay đã gần 10 năm, không ít lần kế hoạch bị trì hoãn, điều chỉnh, thậm chí gần như rơi vào quên lãng.
Chúng ta có thể cảm thông vì đây là một bài toán phức tạp, liên quan trực tiếp đến sinh kế, tài sản, quyền di chuyển, và năng lực quản trị đô thị. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mỗi năm trì hoãn là một năm thành phố chìm sâu hơn vào khói bụi, tiếng ồn và hệ lụy môi trường không thể đo đếm.
“Không thể trì hoãn quá lâu” - Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) về giải pháp chuyển đổi xe máy chạy bằng xăng, dầu diesel…sang xe máy điện.
Khẳng định quyết tâm triển khai kế hoạch hạn chế xe máy tại 4 quận nội đô, ông Trần Sỹ Thanh nói: “Nếu không quyết tâm thì không biết khi nào Hà Nội mới phát triển đô thị văn minh, sạch đẹp được như các thành phố lớn của Nhật Bản cũng như các nước trên thế giới”.
Chi tiết bản đồ vành đai 1 Hà Nội dự kiến cấm xe xăng dầu
Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.
7 tuyến đường Vành đai số: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Lộ trình dự kiến áp dụng việc cấm xe máy chạy xăng từ 1/7/2026
Trong đó, tuyến Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi). Đây là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Hiện Vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến.
Theo quy hoạch, điểm đầu của dự án vành đai 1 sẽ nằm tại nút giao Hoàng Cầu - La Thành, còn điểm cuối tiếp giáp với đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Dự án này sẽ mở rộng qua các khu vực như phường Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Cát Linh, và Láng Thượng, đồng thời đi qua hai cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh.
Trong quy hoạch mở rộng, khu vực giữa vỉa hè phía Nam Đê La Thành (đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ) dự kiến sẽ được quy hoạch thành bãi đỗ xe rộng 6.083m2, kết hợp với không gian cây xanh. Nếu đúng kế hoạch, dự án phải hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến dự án không thể thi công xuyên suốt và bị kéo dài thời gian thực hiện.
Cần mạnh dạn triển khai đi kèm các chính sách hỗ trợ
Việc cấm xe máy chạy xăng không chỉ là biện pháp quản lý đô thị mà còn mở đường cho quá trình chuyển đổi sang phương tiện sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Thế nhưng, trong bối cảnh xe máy vẫn là phương tiện cá nhân đi lại chủ yếu của người dân, việc thí điểm vẫn còn những ý kiến nhiều chiều.
Những người ủng hộ cấm xe máy chạy xăng cho rằng đây là bước đi tất yếu trong lộ trình chuyển đổi xanh, giúp giảm ô nhiễm không khí, giảm ùn tắc giao thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Nếu việc này được triển khai đồng bộ với mạng lưới buýt điện, metro, xe đạp công cộng…sẽ tạo ra chuyển biến rõ rệt về chất lượng sống đô thị.

Cấm xe máy chạy xăng: Phép thử lớn với Hà Nội trong hành trình chuyển đổi xanh
Ở chiều ngược lại, có những người lo ngại việc cấm xe máy chạy xăng quá sớm, khi hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng, có thể gây xáo trộn sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến người lao động và người thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào xe máy để mưu sinh.
Để chủ trương sớm thành hiện thực, với sự ủng hộ từ hầu hết người dân, Hà Nội cần đi kèm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Trước hết, Hà Nội cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đổi xe xăng cũ lấy xe điện với giá ưu đãi, đặc biệt với người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, thành phố cần cho triển khai đồng bộ hệ thống trạm sạc công cộng, tích hợp tại các bến bãi đỗ xe, khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại…là điều kiện bắt buộc để xe điện có thể hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, thành phố nên đầu tư mở rộng mạng lưới xe đạp, xe đạp điện chia sẻ và thiết lập các tuyến kết nối thuận tiện với xe buýt điện, metro nhằm tạo chuỗi di chuyển linh hoạt, thuận tiện cho người dân.
Hà Nội nghiên cứu hỗ trợ thu đổi 450.000 xe máy chạy xăng trong Vành đai 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ chuyển đổi khoảng 450.000 xe máy chạy xăng tại khu vực Vành đai 1, nhằm triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Chính sách sẽ hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới, dựa trên rà soát cụ thể từng nhóm đối tượng và loại xe. Thành phố sẽ trình Thành ủy, HĐND xem xét, ban hành chính sách trong thời gian tới.
Song song đó, Hà Nội đẩy mạnh phát triển giao thông xanh, tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ), xe điện 4 chỗ trung chuyển nội đô tại Vành đai 1. Các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội đã kết nối khu vực này; các tuyến Hồ Tây - Hòa Lạc, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ tiếp tục triển khai.