Campuchia đề cao vai trò chủ nghĩa đa phương trong hồi phục kinh tế - xã hội
Ưu tiên của Campuchia là tăng cường chủ nghĩa đa phương nhằm tiến tới sự hồi phục kinh tế - xã hội bền vững, toàn diện và lâu dài hậu đại dịch COVID-19. Đây là phát biểu của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 16/11 tại Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 11 (ASEP11) diễn ra theo hình thức trực tuyến.
ASEP11 diễn ra tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia với chủ đề "Tăng cường hợp tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch COVID-19". Theo kế hoạch, Camnpuchia cũng sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) lần thứ 13, từ ngày 25 - 26/11 theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại ASEP11, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh nền hòa bình và an ninh toàn cầu đang đối mặt với sức ép lớn và sự bất ổn định do những đối đầu về địa chính trị.
Trong bối cảnh hiện nay, chỉ có mối quan hệ đối tác dựa trên niềm tin mới cho giúp bảo toàn một hệ thống đa phương vốn đảm bảo hòa bình, sự ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng. Trên tinh thần này, theo Thủ tướng Hun Sen, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn giá trị hòa bình và tìm ra những cơ chế nhằm đạt được mục tiêu trên.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định cam kết của Campuchia trong việc tuân thủ các nguyên tắc về việc tôn trọng, học hỏi, hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau và cùng quan tâm, qua đó xây dựng nền tảng để triển khai chính sách đối ngoại đa phương.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc ASEP11, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin nhấn mạnh sự đoàn kết thế giới và chủ nghĩa đa phương là những nguyên tắc cơ bản để duy trì nền hòa bình, sự ổn định, tiến bộ và thịnh vượng tại châu Á và châu Âu cũng như trên toàn thế giới.
Được thành lập ngày 1/3/1996, ASEM đã trở thành cơ chế hợp tác liên khu vực có quy mô lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 53 thành viên từ hai châu lục Á - Âu, trong đó có 21 quốc gia châu Á, 30 nước châu Âu. Các đối tác ASEM chiếm tới 65% kinh tế toàn cầu, 60% dân số thế giới và 55% hoạt động thương mại thế giới.