Cần bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm vì quy định này chưa chặt chẽ, dễ rủi ro với người mua.
Ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm vì quy định này chưa chặt chẽ, dễ rủi ro với người mua.
Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin mập mờ
Cho rằng có nhiều người mua bảo hiểm không biết, không hiểu về các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt quy định về đóng phí, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung vào Khoản 1, Điều 14 về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)
“Tại Khoản 2, Điều 34 về đóng quỹ bảo hiểm nhân thọ có quy định trường hợp phí đóng bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một lần hoặc một số kỳ bảo hiểm nhưng không đóng được các khoản phí tiếp theo sau 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và bên mua không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng nếu thời gian đóng phí bảo hiểm dưới thời hạn. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế cũng có trường hợp người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, cặn kẽ.” – đại biểu nêu ý kiến và đề nghị cần bổ sung nội dung: Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hậu quả chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. “Chúng ta phải xác định đây là điều bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm. Qua đó, nhằm tăng cường trách nhiệm thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng, tránh việc doanh nghiệp cung cấp thông tin mập mờ làm cho người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng lúc bị chấm dứt hợp đồng thì không có quyền đòi lại khoản phí đã đóng hoặc khoản phí hoàn trả không như mong muốn” – đại biểu nhấn mạnh.
Xác định được bên bán bảo hiểm đã giải thích cho bên mua?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, tại khoản 2 Điều 16, dự thảo Luật có quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. “Quy định này không thực sự khả thi bởi việc giải thích cho doanh nghiệp bảo hiểm khi giao kết hợp đồng và tính xác nhận được hiểu như thế nào cũng chưa được làm rõ như bản ghi âm, ghi hình hay văn bản xác nhận có chữ ký các bên? Vì quy định như dự thảo cũng sẽ gây khó khăn cho tòa án và các bên khi phải xác định thế nào là bằng chứng cho bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp giải thích? Vì vậy, Ban Soạn thảo cần cân nhắc lại quy định này để đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm” – đại biểu đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre)
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (Tuyên Quang) cho biết, qua rà soát các nội dung, Dự thảo đã quy định, nhưng nội dung chưa được rõ ràng và chưa được chặt chẽ, chưa có điều khoản quy định cụ thể các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
“Trong khi đó, quy định như trong dự thảo ở Điều 38, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận nội dung mà không trả tiền bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm, là một quy định rất rủi ro cho người mua bảo hiểm vì Luật kinh doanh bảo hiểm là những kiến thức rất chuyên sâu, chuyên ngành, không phải người mua bảo hiểm nào cũng có những kiến thức pháp lý để lường trước được những rủi ro để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Nêu quan điểm như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị nội dung này phải được quy định cụ thể hơn có thể tại một điều hoặc có dẫn chiếu đến các điều có quy định tại dự thảo và Luật Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, thì mới có thể thỏa thuận với người mua bảo hiểm đối với những nội dung mà luật quy định.
Cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù
Dẫn ra nhiều lý do khiến cho lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả, theo đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh), cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù và xây dựng một chương riêng cho dự thảo. Cùng với đó, cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, từ đó xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định rõ các chính sách khuyến khích việc tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, cho doanh nghiệp bảo hiểm như chính sách thuế, phí, hỗ trợ chi phí đào tạo nhằm thay đổi nhận thức các chủ thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, việc quy định cụ thể những đối tượng được hưởng bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp như bảo hiểm giống, vật nuôi, mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, thiết kế sản phẩm bảo hiểm hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp sẽ tạo cú hích thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, đầu tư nông nghiệp.