Căn bệnh 4 triệu người Việt mắc, nguy cơ tử vong cận kề
Theo Hội Hô hấp Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh hen trung bình khoảng 3,9% dân số, tương đương 4 triệu người, gây gánh nặng không hề nhỏ lên hệ thống y tế.
Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học “Hưởng ứng Ngày hen thế giới năm 2025” vừa được Hội Hô hấp Việt Nam tổ chức.
Theo Phó giáo sư Phan Thu Phương, Giám đốc Trung Tâm Hô Hấp - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 - 4.000 người tử vong do bệnh hen.
Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người mắc. Bệnh nhân khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể.
Bệnh có thể tái phát nhiều lần đặc biệt khi thời tiết giao mùa, diễn biến nhanh nếu không theo dõi và xử trí kịp thời. Khi lên cơn hen, nếu không có thuốc hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong.

Người bệnh khám hô hấp tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: P.Thúy.
Hen còn là bệnh lý nền khiến miễn dịch của cơ thể suy yếu và tạo điều kiện cho các loại virus tấn công, có thể kể đến như cúm hay virus Varicella Zoster (VZV), tác nhân gây ra bệnh zona thần kinh.
Theo bác sĩ Phương, việc điều trị hen không chỉ dùng thuốc mà phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó, chủ động kiểm soát tốt bệnh lý đóng vai trò quan trọng, như kiểm soát triệu chứng và các yếu tố nguy cơ thay đổi được, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, kiểm soát bệnh đồng mắc... Hiện nay, việc quản lý và dự phòng bệnh hen còn gặp nhiều thách thức.
Theo Phó giáo sư Lê Khắc Bảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM) việc kiểm soát hen có thể được cải thiện bằng phương pháp cá thể hóa điều trị. Điều này đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm: Đánh giá đặc điểm bệnh nhân, theo dõi tính tuân thủ, nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và cả đội ngũ y tế.
Các chiến lược phòng ngừa đóng vai trò then chốt trong điều trị bệnh hen, giúp giảm các cơn hen cấp liên quan đến nhiễm trùng và duy trì chức năng phổi. Mục tiêu dài hạn là kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường của người bệnh. Giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn tác dụng phụ của thuốc.
Trong cộng đồng, các chuyên gia cảnh báo nếu người bệnh khò khè, khó thở sau điều trị hoặc có triệu chứng của cơn hen ác tính (khó thở tăng dần, cơn hen không dứt, khó nói do khó thở…) cần gọi ngay cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.
Người mắc hen phế quản cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp, chủ động tiêm phòng cúm hằng năm, khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.