Căn bệnh bí ẩn khiến cô gái tăng cân vù vù dù chỉ ăn 1 bữa mỗi ngày
Mắc căn bệnh bí ẩn, cô gái 32 tuổi chỉ ăn 1 bữa mỗi ngày trong nhiều năm nhưng cứ mỗi lần lên cân, con số trên cân lại tăng thêm.
Stacey Dickens, 32 tuổi, sống ở thị trấn Northwich (Anh), mắc chứng phù mỡ lipedema - tình trạng tích tụ mỡ bất thường ở chân và tay.
Stacey bị bầm tím chỉ vì mặc quần bó hay khi một con mèo con ngồi trên đầu gối. Bà của Stacey cũng bị chứng bệnh này và không thể đi lại trong 35 năm cuối đời.
“Tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày trong nhiều năm để không bị tăng cân. Tuy nhiên, cứ mỗi lần cân, tôi lại nặng thêm. Tôi đã nhịn đói lâu đến mức bây giờ tôi cần phải cắt túi mật”, Stacey buồn rầu kể.
Lipedema là căn bệnh hiếm gặp, rất dễ nhầm với bệnh thừa cân, béo phì và rối loạn lipid máu, được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ năm 1940. Trước thời điểm này không ai biết Lipedema là bệnh gì, ngay cả tên gọi mỗi nơi một khác. Ví dụ, tại Mỹ gọi là Lipedema, trong khi đó ở Anh và châu Âu lại gọi là Lipoedema hay Lipodema.
Đây là một dạng rối loạn mạn tính mô mỡ ảnh hưởng đến chân, khiến chân và cánh tay tích lũy nhiều mỡ hơn. Lipedema có 6 đặc tính dễ nhận biết như: (1) mang tính kế thừa; (2) chỉ xảy ra ở phụ nữ; (3) có thể gặp ở mọi đối tượng, bất kể cao, thấp, nặng hay nhẹ cân hoặc béo phì; (4) là dạng bệnh làm tăng tế bào mỡ dư, nhất là từ hông đến mắt cá chân; (5) không giống các chất béo thông thường khác, tế bào mỡ của Lipedema không hề giảm qua ăn uống tiết thực, luyện tập; (6) Hội chứng Lipedema thường ít khi diễn ra ở bàn chân.
Lipedema thường trải qua 3 giai đoạn, khởi phát sau tuổi dậy thì, nhưng trầm trọng hơn phải kể đến lúc mang thai, sau mãn kinh, phẫu thuật phụ khoa, nhất là phẫu thuật tử cung, buồng trứng, hay ống dẫn trứng hoặc bất kỳ phẫu thuật nào cần đến gây mê toàn thân.
Lipedema cũng có thể do căng thẳng cực đại gây ra khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng như sau khi cái chết đột ngột của người thân trong hoặc sau ly hôn, do cortisol tăng đột biến, gây ra “làn sóng” viêm nhiễm không kiểm soát được.
Do vậy, Lipedema dễ bị chẩn đoán nhầm và rất ít khi được chẩn đoán sớm nên phần lớn khi phát hiện thấy bệnh là lúc đã tiến triển ở giai đoạn muộn. Ước tính, tỉ lệ mắc bệnh Lipedema dao động trong phạm vi 11% dân số phụ nữ thế giới sau tuổi dậy thì.
Lipedema phát triển rất đa dạng theo nhiều cách, sớm nhất là trước tuổi dậy thì, chủ yếu trên đùi, sau đó tập trung ở nhiều vị trí khác kể cả đầu gối.
Các triệu chứng điển hình bao gồm, chân lớn bất thường từ hông đến đầu gối, thậm chí cả vùng bụng. Khi tiến triển, người bệnh trở nên nặng nề, nhất là nhóm thấp lùn. Các tế bào mỡ phát triển gây trở ngại cho mạch bạch huyết, phát sinh chứng phù bạch huyết thứ cấp, chuyên môn gọi là phù bạch huyết lipo, phát sinh đau đớn, nhiễm khuẩn máu và xơ hóa. Nếu không kiểm soát, duy trì lối sống lành mạnh, giảm béo thì chứng phù bạch huyết có thể trở nên trầm trọng hơn, nếu nặng, có thể làm cơ thể bất động, không đi lại được.
Theo The Sun, hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra chứng phù mỡ nhưng giới chuyên môn cho rằng sự thay đổi nội tiết tố có thể đóng một vai trò nào đó. Chẳng hạn như khi một người phụ nữ mang thai, uống thuốc tránh thai hoặc bước qua tuổi dậy thì.
Stacey nhớ tình trạng bệnh của cô bắt đầu từ khi đặt dụng cụ tránh thai ở độ tuổi 20. Stacey đã tháo bỏ dụng cụ này ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường ở chân. Nhưng kể từ đó, cô đã phải chịu đựng và chiến đấu với bệnh phù mỡ giai đoạn 3.
“Tôi bị cướp đi những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Tôi không thể đi chơi. Tôi không thể sống như thế này nữa”, Stacey nói. “Tôi đã luôn trốn tránh mọi người. Nếu muốn đi siêu thị, tôi chờ tới lúc còn 20 phút trước giờ đóng cửa để không phải gặp bất cứ ai. Vì vậy, tôi có thể tập tễnh băng qua bãi đậu xe một cách lặng lẽ".
Stacey kể có thời điểm, cô tăng 1kg mỗi tuần. Vì vậy, cô phải duy trì chế độ ăn kiêng khắc khổ suốt 3 năm. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn không ngừng khuyến cáo cô phải để ý tới trọng lượng cơ thể.
Stacey hiện đã có bạn trai nhưng chưa có dự định kết hôn vì e ngại việc mặc váy cưới. Nếu có con, cô cũng không thể vui đùa với chúng như bao người phụ nữ khác.
Đôi chân cứng như đá khiến Stacey phải rời bỏ công việc do nghỉ phép quá nhiều. Hiện cô là nhân viên làm móng.
“Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ phải ngồi xe lăn khi chưa tới 40 tuổi. Tôi cảm thấy mình đang có cơ thể của người khác. Tôi không muốn sống như thế này nữa”, Stacey nói.
Stacey đang cố tự trang trải kinh phí điều trị trước khi hệ bạch huyết bị ảnh hưởng. Nếu điều này xảy ra, phẫu thuật sẽ không thể loại bỏ các tế bào bị tổn thương một cách an toàn. Cô hy vọng sẽ gây quỹ 30.000 USD để có thể chữa bệnh ở Tây Ban Nha.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Sức khỏe và Đời sống)