Căn bệnh khiến bé trai đột ngột liệt tứ chi sau 3 ngày
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh viêm tủy cắt ngang tương đối hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1/1.000.000. Đây là ca đầu tiên được thay huyết tương tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bệnh nhi là N.H.D. (7 tuổi, ở Bình Định) trước đây hoàn toàn khỏe mạnh. Trẻ khởi phát bệnh chỉ sốt nhẹ, than đau thắt lưng, tay chân. Sau đó, tình trạng yếu tứ chi ngày càng tăng dần nên được gia đình chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vào ngày thứ 3 của bệnh.
Lúc nhập viện, trẻ bị liệt tứ chi, sức cơ 0/5, không tự thở được phải đặt nội khí quản và xét nghiệm tìm nguyên nhân. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy có tình trạng viêm tủy kéo dài từ C4 đến T6, phù hợp nguyên nhân gây liệt tứ chi và cơ hoành.
Bé được điều trị corticoid liều cao và thở máy. Tuy nhiên, sau 19 ngày, tình trạng vẫn không cải thiện, bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức Nhiễm và hội chẩn bởi các chuyên gia Nhiễm. Trẻ tiếp tục được thay huyết tương (TPE). Sau 3 tuần điều trị với 5 lần thay huyết tương cùng steroid duy trì, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng và điều trị nhiễm khuẩn, bệnh nhi đã rút được ống thở và sức cơ tứ chi hồi phục dần.
Bệnh nhi D. cũng giảm lo lắng, tự tin, vui vẻ và chăm chỉ luyện tập để hồi phục sức cơ. Cả quá trình luyện tập của D. diễn ra rất nỗ lực và kiên cường. Nhờ vậy, tình hình tiến triển tốt.
Theo y văn, viêm tủy cắt ngang (TM) là bệnh tương đối hiếm gặp, được mô tả đầu tiên vào năm 1948 ở châu Âu, tỷ lệ mắc hiện nay khoảng 1/1.000.000 người. Viêm tủy gây nên tổn thương vận động, cảm giác của cơ thể do vùng tủy đó phụ trách.
Nguyên nhân và tác nhân chưa được biết rõ, có thể xuất hiện sau nhiễm virus như cúm, thủy đậu, Herpes simplex virus, enterovirus, Mycoplasma…. Chẩn đoán dựa vào tổn thương toàn bộ chức năng tủy (vận động, cảm giác, cơ vòng) và chụp cộng hưởng từ (MRI) tủy.
Bệnh có thể để lại di chứng và tử vong. Hồi phục vận động, cảm giác là quá trình lâu dài. Việc điều trị còn cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng chủ yếu dựa vào kháng viêm steroid, thay huyết tương và/hoặc immunoglobulin. Các chứng cứ thay huyết tương còn ít nhưng hiện có nhiều người ủng hộ biện pháp này.