Căn bệnh lạ gần như xóa sổ loài dơi tai dài phương bắc ở Mỹ

Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ cho biết hội chứng mũi trắng bí ẩn đã làm suy giảm 97-100% số lượng dơi tai dài phương bắc tại Mỹ.

Mười lăm năm sau khi được phát hiện lần đầu tiên trong một hang động ở New York, hội chứng mũi trắng - một hội chứng bí ẩn đã khiến dơi tai dài phương bắc chết hàng loạt - giảm số lượng đến mức gần như bị xóa sổ ở Mỹ, theo Washington Post.

Vào ngày 22/3, Cục Cá và Động vật hoang dã Mỹ đã sắp xếp lại nhóm động vật có vú này từ bị đe dọa sang nguy cấp, sau khi một đánh giá cho thấy "hội chứng mũi trắng có thể ảnh hưởng 100% đến dơi tai dài" vào năm 2025.

Nguy cấp là xếp hạng cho nhóm động vật đang trên đà bị tuyệt chủng, còn loài bị đe dọa thì có khả năng trở thành nguy cấp trong tương lai gần. Các loài nằm trong danh sách nguy cấp thì được bảo vệ ở cấp liên bang.

 Dơi bị bệnh thường có một lớp nấm trắng bao phủ trên mũi. Ảnh: Missouri Department of Conservation

Dơi bị bệnh thường có một lớp nấm trắng bao phủ trên mũi. Ảnh: Missouri Department of Conservation

Hội chứng mũi trắng xảy ra do nấm Pseudogymnoascus destructans, được coi như HIV/AIDS của động vật, làm bỏng xuyên da và màng của dơi, sau đó khiến hệ miễn dịch hỗn loạn, thậm chí tấn công cả tế bào khỏe mạnh.

Căn bệnh này tấn công dơi khi chúng ngủ đông trong hầm mỏ và hang động. Hàng nghìn cá thể đã chết hoặc co giật tại nơi trú ẩn.

Hội chứng mũi trắng đã âm thầm tiến hóa từ hàng triệu năm trước trên những con dơi ở vùng Âu - Á, và dường như không bị ảnh hưởng như các loài dơi ở Mỹ.

Nó đã lây lan sang Đại Tây Dương bằng cách bám trên quần áo hoặc giày của những nhà thám hiểm. Căn bệnh kì lạ này đã lây nhiễm cho hơn một nửa trong số 47 loài dơi ở Mỹ, khiến chúng giảm khả năng tự vệ.

“Hội chứng mũi trắng đang tiêu diệt loài dơi tai dài phương Bắc với tốc độ chưa từng có”, ông Charlie Wooley, Giám đốc của Cục Cá và Động vật hoang dã cho biết. Cơ quan này cam kết tiếp tục nghiên cứu về việc giảm tác động của hội chứng mũi trắng, đồng thời làm việc với các bên liên quan để bảo tồn loài dơi tai dài.

Họ cũng đang chỉ đạo một nhóm phản ứng quốc gia về hội chứng mũi trắng gồm 150 tổ chức phi chính phủ, bộ lạc, tiểu bang, cơ quan liên bang và các tổ chức khác để cùng giải quyết vấn đề này.

“Chúng tôi đang nghiên cứu hội chứng mũi trắng và phát triển các chiến lược quản lý để giảm thiểu sự tác động và phục hồi các quần thể dơi bị ảnh hưởng", trích báo cáo.

“Cho đến nay, dự án đã cung cấp nhiều phát hiện khoa học mới, mang lại thông tin quan trọng và xác định tác động của nó đối với các loài dơi Bắc Mỹ”,

Tuy nhiên, dự án đã diễn ra hơn 10 năm nhưng có kết quả khá khiêm tốn. Vào năm 2018, giới khoa học đã có một khám phá đầy hứa hẹn là xử lý căn bệnh này bằng tia UV. Giả thuyết cho thấy hội chứng mũi trắng lộ nhược điểm trước tia UV.

Daniel Lindner, một nhà nghiên cứu bệnh thực vật của Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, cho biết: “Khả năng phục hồi của nấm sau khi tiếp xúc với tia UV khá hạn chế. Có thể ví chúng như một loại nấm ma cà rồng".

Các lãnh đạo của Cục Cá và Động vật hoang dã chưa có con số cụ thể về dơi tai dài phương bắc ở Mỹ, nhưng bang New York ước tính có khoảng nửa triệu cá thể ở đây.

Vào năm 2012, trước khi Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã ngừng dự báo số lượng dơi thuộc tất cả các loài bị chết vì hội chứng mũi trắng, họ đã ước tính rằng căn bệnh này đã giết chết khoảng 6,7 triệu con. Kể từ thời điểm đó, hội chứng mũi trắng đã lây lay từ Nam và Trung Đại Tây Dương đến Nebraska và Tây Bắc Thái Bình Dương.

Cơ quan này sẽ tổ chức một cuộc họp công khai cung cấp thông tin vào ngày 7/4 để làm rõ tác động của việc phân loại lại được đề xuất.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-la-gan-nhu-xoa-so-loai-doi-tai-dai-phuong-bac-o-my-post1304503.html