'Cán bộ mà dối trên, lừa dưới thì sẽ mang họa cho đất nước'

'Cán bộ sử dụng bằng cấp giả là hành vi dối trên, lừa dưới, không trung thực, mang họa cho bản thân, nhân dân và đất nước', ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Là cán bộ phải trung thực

Công tác tuyển chọn, ứng cử, tái cử, chuẩn bị nhân sự bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đang được thực hiện gấp rút, nhanh chóng nhưng cẩn trọng và chặt chẽ, đề cao sự công khai, minh bạch.

Mọi quá trình đều được thực hiện thận trọng để chắc chắn rằng, mỗi nhân sự được lựa chọn phải có năng lực, đạo đức, phẩm chất toàn vẹn.

Tuy nhiên, sự việc nghiêm trọng xảy ra về công tác nhân sự ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai (phát hiện tới 9 cán bộ cấp xã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả) gióng lên hồi chuông về sự cần thiết rà soát hồ sơ cán bộ ở nhiều cấp tại các địa phương.

Trước đây, đã có nhiều vụ sử dụng bằng giả chấn động dư luận như: Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa từng phát hiện 20 cán bộ là dược sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng… tại thời điểm bị phát hiện nhiều người công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện nội tiết tỉnh... những trường hợp này đều bị buộc thôi việc.

Tỉnh Bình Định cũng phát hiện cán bộ dùng bằng giả vào năm 2018. Năm 2019, tại tỉnh Quảng Ngãi phát hiện và cách chức Phó Chủ tịch xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn) tỉnh Quảng Trị phát hiện tới 14 trường hợp cán bộ sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả.

Có cả những cán bộ giữ vị trí quan trọng ở tỉnh, làm việc nhiều năm, lần lượt qua nhiều vị trí nhưng sau hơn 20 năm mới bị phát hiện.

Với quy trình quản lý hiện nay, tại sao những cán bộ này vẫn sử dụng được những bằng cấp giả mạo? Ai đã tuyển dụng họ vào cơ quan nhà nước và ai phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm này?

Ông Vũ Quốc Hùng nêu gợi ý, ngoài quy trình thì phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân để phát hiện những cán bộ gian dối. ảnh: NQ.

Ông Vũ Quốc Hùng nêu gợi ý, ngoài quy trình thì phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân để phát hiện những cán bộ gian dối. ảnh: NQ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương được biết: “Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là những những người đại diện cho dân, thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì thế những người đó phải có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực.

Qua đại hội toàn quốc lẫn đại hội các cấp, Đảng và nhà nước ta đã nhắc nhiều lần rằng mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất, đạo đức và nhấn mạnh rằng đức tính trung thực của con người là vô cùng quan trọng.

Chúng ta đang kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chúng ta kỳ vọng vào tầng lớp thanh niên, tầng lớp trẻ rất nhiều thứ nhưng cần nhất chính là thế hệ những con người trung thực, thẳng thắn mới.

Thế hệ cán bộ trẻ, cán bộ mới bổ nhiệm bắt buộc phải là thế hệ trung thực, trung thực là phẩm chất đạo đức cần có trước cả tài năng, năng lực. Mà làm được điều đó yêu cầu phải là những người có kiến thức và bản lĩnh”.

Nhân sự được chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp sắp diễn ra bắt buộc phải là những người không chỉ có tài năng mà cần có cả phẩm chất, đạo đức gương mẫu. Họ đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện những quyền và nghĩa vụ đối với đất nước, chịu trách nhiệm với nhân dân và đất nước.

“Nếu một cán bộ sử dụng bằng giả trở thành những cán bộ chủ chốt thì không thể đưa tương lai của địa phương đó phát triển. Bởi ngay từ khi bắt đầu, cán bộ đã không trung thực với bản thân, với nhân dân thì không thể nào họ làm việc và thực hiện ý nguyện của nhân dân được. Đó là biểu hiện đầu tiên của sai phạm, của gian dối và sau này đến một vị trí nào đó sẽ là sự xuất hiện của tham nhũng”, ông Hùng nhận định.

Nâng cao trách nhiệm giám sát của nhân dân

Để xảy ra sự việc nghiêm trọng gian lận bằng cấp tại một địa phương, theo ông Vũ Quốc Hùng đó chính là kẽ hở, lỗ hổng của công tác quy hoạch cán bộ, lựa chọn nhân sự trong bộ máy nhà nước.

“Những cán bộ sai phạm không những không được tham gia vào các công việc trọng đại sắp tới, phải được xử lý nghiêm khắc, ngay lập tức. Tại sao là cán bộ lại gian dối? Tại sao dám nhận trách nhiệm là cán bộ trong khi bản thân không đủ khả năng? Đối với con người, đặc biệt là đã trở thành cán bộ, sự trung thực vô cùng quan trọng.

Việc sử dụng bằng cấp giả dối là thiếu trung thực mà điều đó chứng minh cho việc, phẩm chất, đạo đức của họ vô cùng kém. Cán bộ trước hết phải trung thực, thẳng thắn, thật thà điều này thậm chí còn quan trọng hơn cả tài năng, năng lực trong khâu xét tuyển cán bộ”, ông Hùng khẳng định.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí lý giải về những kẻ đạo đức kém vẫn “chui sâu, leo cao”

Sự việc 9 cán bộ tại xã Ia Pa (Gia Lai) bị phát hiện sử dụng bằng giả là ví dụ điển hình mới nhất, cũng chính là bài học về công tác nhân sự mắc sai lầm trên cả nước.

Nếu không có việc rà soát nhân sự để chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới, thì đến lúc nào chúng ta mới phát hiện ra tồn tại những cán bộ có phẩm chất, đạo đức yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương?

Ông Hùng chia sẻ: “Vừa rồi qua đại hội các cấp, qua các nguồn thông tin đều cho rằng có nhiều tiến bộ trong công tác tuyển chọn các cán bộ có đức, có tài. Từ trung ương, đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng phải lựa chọn được cán bộ có phẩm chất. Như thế có nghĩa ở trung ương luôn cảnh báo, nhắc nhở mọi người luôn chú ý đến công tác lựa chọn cán bộ, luôn phải lựa chọn người thực sự có đức, thực sự có tài – đó là hai yếu tố quan trọng với mỗi cán bộ và không được xem nhẹ bất kỳ yếu tố nào.

Thực tế trong cuộc sống có những người thiếu đức, thiếu tài nhưng vẫn lọt vào bộ máy nhà nước do cách này, cách khác, do cảm tình cá nhân, chạy chức, chạy quyền đó là những việc xấu mà Đảng và nhân dân đã lên án và tiếp tục sẽ lên án nếu vẫn còn tình trạng đó xảy ra”.

Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, ngoài việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, của cấp trên quản lý cấp dưới... cần phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân.

Cán bộ tốt là phục vụ quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân, đại diện ý chí của nhân dân, đưa đời sống nhân dân phát triển thì họ phải được nhân dân ủng hộ, tin tưởng và khen thưởng. Ngược lại, những cán bộ sai phạm, tồn tại mục đích xấu, vụ lợi cá nhân, không trung thực, thật thà thì nhân dân cũng phải đi sâu, đi sát để phát hiện, tố giác và xử lý sai phạm kịp thời.

Cao Kim Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/can-bo-ma-doi-tren-lua-duoi-thi-se-mang-hoa-cho-dat-nuoc-post216495.gd