Cần bổ sung cán bộ y tế là đối tượng thi hành công vụ
PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng cần bổ sung đối tượng thi hành công vụ là cán bộ y tế đang thi hành nhiệm vụ tại các cơ sở y tế, có như vậy nhân viên y tế mới được hưởng các chế độ để họ yên tâm công tác, cống hiến vì sức khỏe nhân dân
Phóng viên: Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có công văn đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước và với các bộ ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 bị tử vong được phong danh hiệu liệt sĩ và gia đình được hưởng chế độ liên quan. Vì sao có đề xuất này, thưa bà?
PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam: Hiện nay đã có khoảng 10.000 nhân viên y tế cả nước thực hiện lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế lên đường chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, làm việc tại các bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng, nguy kịch tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Nhiều nhân viên y tế có hoàn cảnh, phải tạm xa gia đình để thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Nhân viên y tế đã rất nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị các ca bệnh, không quản ngày, đêm.
Với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều ca bệnh dương tính tại cộng đồng có thể đến khám tại tất cả các bệnh viện, nguy cơ cán bộ y tế bị lây nhiễm rất cao, đặc biệt là cán bộ y tế đang tăng cường tại các Trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện đang điều trị các ca COVID-19 nặng phía Nam.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có trên 2.300 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19. Số các ca Covid-19 tử vong trên cả nước là hơn 6.000 người. Nguy cơ đoàn viên, cán bộ ngành y tế tử vong do nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị hoặc tiêm chủng là không loại trừ, mặc dù cơ bản cán bộ đã được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Cán bộ y tế có thể bị bạo hành, bị tai nạn giao thông hoặc các tai nạn nghề nghiệp khác, bị ốm đau do bệnh mới hoặc bệnh nền cũ, bệnh hiểm nghèo trong quá trình tham gia phòng chống dịch. Do đó, chính sách đối với cán bộ y tế phải làm càng sớm càng tốt, đừng chờ sự việc xảy ra rồi mới đề xuất chính sách cho họ.
Chính vì vậy từ ngày 12-7 đến nay, Công đoàn Y tế đã gửi 2 tờ trình đến Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xin chủ trương hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu tham gia chống dịch COVID-19. Trong đó Công đoàn Y tế Việt Nam đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 là người đi thi hành công vụ, nên khi tử vong được phong danh hiệu liệt sĩ và gia đình được hưởng chế độ liên quan.
Hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có phản hồi gì chưa? Ngoài tờ trình gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam, theo bà quy định pháp luật cần sửa đổi gì để nguyện vọng của ngành y tế có thể được thực hiện?
Hiện chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ phía Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tuy nhiên theo tôi, gốc rễ của vấn đề là phải sửa đổi Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Trong Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Theo tôi, cần bổ sung đối tượng thi hành công vụ là cán bộ y tế đang thi hành nhiệm vụ tại các cơ sở y tế thì tất cả các chế độ đối với người thi hành công vụ cán bộ y tế mới được hưởng.
Không chỉ bị lây nhiễm hoặc có thể bị tử vong do dịch, hiện nay cán bộ y tế bị bạo hành rất nhiều thì phải được bồi thường và xử đối tượng hành hung như đối với người thi hành công vụ là công an, bộ đội, như vậy đội ngũ cán bộ y tế mới yên tâm công tác, cống hiến vì sức khỏe nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn bà!