Cần bổ sung nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Chiều 17/12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chính sách, pháp luật về chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin.
Dự cuộc làm việc về phía Đoàn khảo sát có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Tuyết Nga; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương; Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo...
Về phía tỉnh Lâm Đồng có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và lãnh đạo các sở, ngành.
Xã hội hóa lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, những năm gần đây, do thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề, toàn tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương với nhiều phương thức, nhiều ngành nghề, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn tỉnh. Ngoài các doanh nghiệp được cấp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 4 cao đẳng, 2 trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (11 công lập, 7 tư thục), 17 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 4 trường trung cấp ngoài tỉnh thực hiện liên kết đào tạo; trong đó, có các công ty Công ty May Mekava, Công ty May Nhà Bè, Công ty May Đà Lạt phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người lao động.
Đối với lĩnh vực văn hóa, lãnh đạo tỉnh cho biết, nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung và cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa luôn ở mức thấp; công tác xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, một số di tích bị xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng.
Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của đơn vị, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là thiết bị phục vụ còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các đơn vị. Chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân nghệ thuật truyền thống còn thấp, do đó, việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa gặp nhiều khó khăn.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Tài chính cần phối hợp để phát triển thêm các đơn vị sự nghiệp công lập trong văn hóa, bởi hiện nay công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc, việc bảo đảm chuyên môn thường xuyên theo thông tư gặp nhiều khó khăn nếu xã hội hóa.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm ban hành quy định về định mức chi phí thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Luật Di sản văn hóa tháo gỡ nhiều vướng mắc
Tại cuộc làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần rà soát lại di sản văn hóa trên địa bàn, có kiến nghị cụ thể hơn để Đoàn có thể đưa ra kiến nghị phù hợp với các Bộ, ngành liên quan.
Đối với lĩnh vực giáo dục, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần đánh giá rõ hơn thực trạng, vướng mắc, hạn chế hiện nay, cung cấp thêm thông tin cho Đoàn khảo sát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Lâm Đồng về tình hình chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin của địa phương.
Đối với kiến nghị về bảo tồn di sản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng ghi nhận đây là kiến nghị chính đáng, đề nghị địa phương báo cáo cụ thể để Đoàn xem xét, tổng hợp và cho ý kiến trong việc hoàn thiện pháp luật liên quan. Đặc biệt, khi Luật Di sản văn hóa 2024 có hiệu lực sẽ tháo gỡ rất nhiều cho lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho biết, các ý kiến, kiến nghị sẽ được Đoàn khảo sát nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, phục vụ quá trình xem xét, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư ngân sách cho các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin.
Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát đã có chuyến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91799