Khuyến công Thái Nguyên: Đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn
Từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm chè.
Năm 2024, chương trình khuyến công địa phương đã triển khai 22 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ 3,4 tỷ đồng. Trong đó, có 17 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cụ thể gồm: 15 đề án hỗ trợ chế biến nông sản; 01 đề án hỗ trợ sản xuất bao bì; 01 đề án hỗ trợ sản xuất, gia công cơ khí trên địa bàn tỉnh.
Đây là nguồn kinh phí quan trọng hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, để nhanh chóng tiếp cận xu hướng thị trường tiêu thụ và mở rộng sản xuất - kinh doanh góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt đối với các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến chè, máy móc thiết bị tiên tiến được đưa vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng chè, nâng cao giá trị và cạnh tranh uy tín thương hiệu chè Thái Nguyên. Đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn, góp phần phát triển bền vững nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên có các cơ sở có sản phẩm được công nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia; đạt 5 sao OCOP cấp Quốc gia.
Cụ thể, đối với Tổ hợp tác sản xuất chè VIETGAP, xóm Ao Cống, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã được nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ đầu tư được 74 máy vò chè vào trong sản xuất sản phẩm chè. Ông Bế Quang Hòa - xóm Ao Cống, xã Phú Đô, huyện Phú Lương vui vẻ cho biết: “Việc ứng dụng máy móc tiên tiến vào trong khâu vò chè đã giúp sản phẩm chè của chúng tôi nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất, từ đó gia tăng được nguồn lợi nhuận, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn tại các địa phương”.
Tương tự, như tại HTX chè Phúc An, xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi được hỗ trợ đầu tư mới 01 máy đóng gói trà tự động; 01 máy co màng tự động; 01 máy cắt và dán kín tự động, 12 máy vò chè. Máy móc đi vào hoạt động đã giúp HTX chè Phúc An tăng năng suất lao động và giảm chi phí; sản phẩm chè của HTX chè Phúc An có chất lượng tốt và đẹp hơn, bảo quản được lâu hơn; … Từ đó làm tăng thêm uy tín, thương hiệu của đơn vị trên thị trường, qua đó gia tăng được các đơn hàng có giá trị cao, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động đóng bảo hiểm thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên cho biết về hiệu quả đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Đề án được thực hiện đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số cơ sở đã từng bước tiếp cận được thị trường xuất khẩu, trình độ năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh được cải thiện cũng như thương hiệu sản phẩm ngày càng chú trọng, quan tâm hơn.
Đồng thời, đề án cũng giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên sẽ giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động hoạt động trong các lĩnh vực như: Trồng, chế biến và dịch vụ của ngành chè, trong đó có cả đồng bào các dân tộc vùng đồi núi, vùng còn nhiều khó khăn, góp phần ổn định đời sống và an sinh xã hội. Thu nhập từ sản xuất chè sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, mức sống được cải thiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch theo hướng tăng về dịch vụ và thương mại, tiến tới phát triển bền vững.