Cán bộ tín nhiệm thấp có thể xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm

Trường hợp có quá nửa số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, cán bộ có thể xin từ chức hoặc Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm cán bộ này tại kỳ họp gần nhất.

Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới (dự kiến diễn ra ngày 22/5 đến 23/6).

Cụ thể, dự thảo quy định việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, các chức danh do Quốc hội phê chuẩn cũng sẽ được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó thủ tướng, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

 Dự thảo về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5. Ảnh minh họa: Hồng Phong.

Dự thảo về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, dự kiến được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5. Ảnh minh họa: Hồng Phong.

Đối với HĐND cấp tỉnh, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện với các chức danh: Chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban HĐND tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên của UBND cấp tỉnh.

Dự thảo quy định HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số đại biểu tham dự, thông qua hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Nếu có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp, cán bộ có thể xin từ chức.

Nếu không từ chức, cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với cán bộ này tại kỳ họp gần nhất.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Dự thảo cũng quy định 4 trường hợp Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bao gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

Cùng với đó, Thường trực HĐND bỏ phiếu đối với trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND; có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá tín nhiệm thấp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đánh giá mức độ tín nhiệm sẽ dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ; kết quả công tác trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, sáng tạo, đổi mới...

Ngoài ra, mức độ tín nhiệm cũng dựa trên kết quả thực hiện quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân cán bộ và gia đình (vợ, chồng, con) trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và người dân biết.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-bo-tin-nhiem-thap-co-the-xin-tu-chuc-hoac-bi-mien-nhiem-post1428104.html