Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt: Quá nhiều bất cập
Dù đã chấp nhận 'dứt áo ra đi', với những công chức, viên chức đã rời khỏi khu vực nhà nước để tìm môi trường mới, họ vẫn mang nặng nhiều tâm tư và mong cải thiện cho đồng nghiệp cũ. Một số bộ ngành, địa phương cũng đề xuất chính sách để giữ chân người tài ở lại hệ thống.
Mong công bằng
Sau khi đã chuyển từ cơ quan nhà nước sang khu vực tư nhân, cựu công chức ngành ngoại giao N.V.Nam (ở Hà Nội) cho rằng, việc thu hút và giữ chân người tài ở lại cơ quan nhà nước phụ thuộc rất lớn vào cách sử dụng người tài vào việc phù hợp.
“Chúng ta lâu nay vẫn nói đến nhất thân, nhì quen trong bổ nhiệm lãnh đạo ở khu vực nhà nước. Với người giỏi hơn mình, tôi không cảm thấy thua thiệt gì, nhưng rất thất vọng khi một người không xứng đáng lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo mình. Tôi mong việc này cần sớm được giải quyết, để mọi người được thăng tiến theo đúng năng lực cá nhân thay vì quan hệ”, anh Nam nói và bày tỏ mong muốn việc cải cách tiền lương được tiến hành sớm, để công chức, viên chức sống được và sống tốt bằng lương.
Trong khi bác sĩ Nguyễn N.H (Bệnh viện Bạch Mai) bày tỏ mong muốn mọi người nhìn xu hướng chuyển dịch lao động công sang tư theo hướng tích cực hơn. Với ngành y, bác sĩ bệnh viện công chuyển sang tư cho thấy khu vực y tế tư nhân đã có chỗ đứng tốt hơn, đáp ứng được phần nào đó nhu cầu của những người có thu nhập khá sẵn sàng chi tiền mua dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Từ đó, bác sĩ H cho biết, ông hy vọng người làm chính sách có thể thay đổi cách nhìn cho phù hợp thực tế.
Bác sĩ H kể, 20 năm trước, khi mới ra trường, ông đã vào làm việc ở bệnh viện tư nhưng khi đó bệnh viện tư chưa phát triển nên anh vào Bệnh viện Bạch Mai làm.
Đến nay, sau 20 năm, anh lại chuyển sang bệnh viện tư với nhiều đổi khác, nhu cầu của người dân ngày càng cao, trong khi bệnh viện công ngày càng quá tải. “Làn sóng công chức, viên chức chuyển khỏi khu vực công trong 2 năm trở lại đây cũng là hồi chuông cảnh báo để người làm chính sách suy nghĩ, điều chỉnh cho phù hợp. Dù làm ở đâu, người lao động cũng chỉ mong được trả công xứng đáng và sống được với nghề”, bác sĩ H nói.
Để công chức, viên chức sống được
Một nguồn tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ đầu năm 2020 tới hết tháng 6/2022, có 131 cán bộ, công chức, viên chức thuộc các bộ nghỉ việc theo nguyện vọng; trong đó có 17 công chức, 114 viên chức. Khối đơn vị y tế và giáo dục thuộc các bộ có số lượng công chức, viên chức nghỉ nhiều nhất.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là: Áp lực công việc lớn khi biên chế giảm nhưng việc không giảm; Chế độ tiền lương chưa tương thích với vị trí việc làm, chưa đảm bảo đời sống bản thân và gia đình công chức, viên chức; Việc làm ở khu vực tư sôi động, thu nhập cao.
Hiện tại, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp từ 3,35 - 4,68 triệu đồng/tháng. Trong khi vào khu vực công, với người có bằng đại học với lương tập sự khởi điểm chỉ hơn 2,96 triệu đồng/tháng, mức này thấp hơn cả lương tối thiểu vùng 4 của người lao động đang làm việc ở khu vực tư. Sau 4 năm làm trong khu vực công, người lao động được thi công chức, viên chức, nếu đạt, lương được tăng lên bậc 2 với hệ số 2,67 quy ra bằng mức lương 4,97 triệu đồng/tháng (bằng lương tối thiểu vùng hiện nay, trong khi sau 4 năm lương tối thiểu vùng khu vực tư nhân đã tăng thêm).
Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Nội vụ, UBND TPHCM thống kê từ đầu năm 2020 tới hết tháng 6 vừa qua, Thành phố có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng (bình quân mỗi tháng khoảng 200 người nghỉ).
Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này, gồm: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.
Lãnh đạo TPHCM cho rằng, hiện khu vực công gặp thách thức rất lớn trong thu hút, giữ chân nhân lực trình độ cao, người có năng lực, kinh nghiệm, khi không cạnh tranh được với khu vực tư về thu nhập, đãi ngộ.
Trong khi đó, người làm trong khu vực công phải tuân thủ nhiều quy định, quy chế, chưa kể những vụ việc sai phạm bị xử lý gần đây ở các cơ quan công quyền cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhiều người.
Để giữ chân người lao động có năng lực ở lại với khu vực công, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần đẩy nhanh cải cách tiền lương theo vị trí việc làm có sự tương ứng với khu vực tư để đảm bảo cuộc sống cho công chức, viên chức ở mức trung bình khá trong xã hội. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để khu vực công tạo được môi trường làm việc minh bạch, khách quan, cơ hội thăng tiến.
Còn lãnh đạo TPHCM thì đề nghị Bộ Nội vụ đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo; thường xuyên luân chuyển, đưa lãnh đạo về cơ sở và ngược lại để nâng cao năng lực; có chính sách trợ cấp thôi việc, khuyến khích về hưu trước tuổi với người năng lực thấp hoặc sức khỏe không đảm bảo. Ngoài ra, để giảm áp lực cho cán bộ, thành phố cũng đề xuất được tăng biên chế.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong số 6.177 nhân sự khu vực công đã nghỉ việc theo nguyện vọng, có 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức. Xét về lĩnh vực, giáo dục có nhiều người nghỉ nhất với 2.436 người, tiếp đến với y tế có 2.145 người nghỉ…
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển 27.850 giáo viên cho năm học mới. Số giáo viên này được tuyển để dạy các môn học mới cần bổ sung và bổ sung cho số giáo viên đã nghỉ việc.
Chuyên gia xã hội học - TS Trịnh Hòa Bình: "Họ không thể cố mãi, chờ cả đời"
Nguyên nhân chính của công chức, viên chức nghỉ việc cũng chỉ là câu chuyện lợi ích của người lao động khu vực công không được đảm bảo. Điều này do ta chưa có thang, bảng lương khoa học, ngạch và bậc lương lại căn cứ theo thâm niên, bằng cấp chứ không phải đóng góp công sức của mỗi người. Người lao động khu vực công thấy không có sự đảm bảo lâu dài, không có cơ hội tái tạo sức lao động, niềm tin lại bị ảnh hưởng, trong khi vinh quang nghề nghiệp cũng chỉ một nhóm nhỏ được hưởng, còn đại bộ phận vẫn vậy. Tất cả những điều đó buộc mỗi người phải suy nghĩ và đưa ra lựa chọn để thay đổi cuộc sống của chính mình.
Nhiều năm qua, chúng ta luôn nói sẽ cải cách tiền lương với khu vực nhà nước để tiến tới công chức, viên chức có mức lương tương xứng với mặt bằng thị trường lao động thế nhưng bao năm qua lương và đãi ngộ vẫn chậm được cải cách, nhiều người phải làm thêm ngoài giờ mới đủ sống. Không chỉ công chức, viên chức khu vực y tế, giáo dục, nhiều lĩnh vực khác trong khối nhà nước cũng có nhiều người nghỉ. Ngay khối các cơ quan vũ trang, nếu một người không có chiến công đặc biệt, cả đời cống hiến, khi nghỉ hưu cũng chỉ tới được hàm thiếu tá, trung tá, lương hơn 10 triệu đồng/tháng.